,

Bưởi

Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả có múi

Để chủ động phòng chống sâu bệnh hại, hạn chế thấp nhất tác hại của sâu bệnh trên cây ăn quả có múi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi như sau:

1. Nguyên tắc chung:

- Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM): Biện pháp canh tác, sinh học, vật lý, hóa học...

- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam khi cần thiết; tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Sử dụng thuốc phải đảm bảo “nguyên tắc 4 đúng” để phòng trừ sâu bệnh hại.

2. Biện pháp phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại:

2.1. Nhóm nhện nhỏ (nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng): Thường xuyên gây hại trên vườn là tác nhân gây ra bệnh loét, ghẻ sẹo; cần tưới nước giữ ẩm theo dạng phun mưa rửa trôi, hạn chế mật độ nhện; khi mật độ nhện cao sử dụng một trong các loại thuốc sau để trừ nhóm nhện nhỏ: Catex 3.6EC, Comite 73EC, Kamai 730EC, Superrex 73EC, Abagold 65EC... sử dụng luân phiên các loại thuốc để tránh nhện kháng thuốc.

2.2. Nhóm rệp sáp (rệp sáp vảy, rệp sáp phấn): Tỉa cành cho vườn thông thoáng; loại bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị hại nặng; có thể phun nước có áp lực mạnh vào những nơi rệp trú ẩn để rửa trôi; sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ rệp sáp ở những nơi có mật độ cao bằng các loại thuốc thuốc có tính nội hấp, thấm sâu như: Anboom 48EC, Applaud 10WP, Dầu khoáng DS 98.8EC, Mospilan 3EC… phun trực tiếp vào chỗ có rệp đeo bám, có thể phun dầu khoáng phối hợp với thuốc hóa học.

2.3. Bệnh sẹo do nấm: Khi cây bị nhiễm bệnh sử dụng thuốc Daconil 75WP, 500SC; Lipman 80WG, OK-Sulfolac 80WG, Zineb Bul 80WP... hoặc các loại thuốc khác cùng hoạt chất, phun khi bệnh mới xuất hiện, vết cấp (bệnh hại nặng phun kép, lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày).

2.4. Bệnh loét do vi khuẩn: Khi cây bị nhiễm bệnh, cắt bỏ các cành lá, quả bị nhiễm nặng đem tiêu hủy. Bón phân cân đối, tạo cây khỏe, ra lộc tập trung, loại bỏ các cành vượt. Khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng thuốc: Liberty 100WP, Kaisin 100WP, Actinovate 1 SP, Anti-xo 200WP... hoặc các loại thuốc cùng hoạt chất (Bệnh hại nặng nên phun kép 1- 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày).

2.5. Bệnh thán thư: Bệnh gây hại trên lộc và quả non, khi bệnh chớm xuất hiện dùng một trong các loại thuốc: Bisomin 2SL, 6WP; Grahitech 2SL, 4WP; Kamsu 2SL, 8WP; Actinovate 1SP, Score 250EC, Daconil 75WP, 500SC; Manozeb 80WP, Antracol 70WP, 70WG... hoặc các loại thuốc khác cùng hoạt chất (Bệnh hại nặng nên phun kép 1- 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày).

2.6. Bệnh xì mủ: Thường xuyên thu dọn, cắt tỉa vườn thông thoáng, hạ mực nước ngầm tránh để úng đọng. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục có bổ sung nấm Trichoderma (nấm đối kháng với một số nấm gây bệnh từ đất) để cải tạo đất; phòng trừ sớm bằng các loại thuốc như: Aliette 80WP, 800WG; Ridomil gold 68WG, Mancozeb 80WP… 

2.7. Bệnh vàng lá thối rễ:

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện sớm cây bị bệnh; đào bỏ các cây bị bệnh nặng, chết, thu gom và tiêu hủy, xử lý bón vôi, lân nung chảy tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục có bổ sung các chế phẩm sinh học Trichoderma, nấm xanh, nấm trắng...để làm tăng độ tơi xốp của đất và cân bằng pH đất từ 5,5 - 6, ức chế nấm phát triển gây hại; cần bón phân vô cơ và phân hữu cơ cân đối theo độ phì đất và hạn chế làm tổn thương bộ rễ.

- Song song với phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ, phải thực hiện phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp. Sử dụng các loại thuốc được đăng ký trừ tuyến trùng, rệp sáp (Map Logic 90WP, Bini 58 40EC, Subatox 75 EC..); thuốc trừ nấm (Ridomil Gold 68WG, Aliette 80 WP, 800 WG; Mataxyl 500WG, 500WP; Alpine 80WP, 80WG...) kết hợp với chế phẩm sinh học TRICÔ-ĐHCT 108 bào tử/g phòng trừ bệnh thối rễ để rải thuốc vào đất, vùng rễ cây trồng; cách sử dụng, liều lượng và nồng độ thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.

 - Sau khi cây hồi phục, sử dụng phân bón qua lá để cung cấp trực tiếp dinh dưỡng cho cây; các vườn cây ăn quả có múi ở vùng đất thấp hay bị ngập nước sau mưa cần tiến hành đào rãnh để thoát nước kịp thời.

* Ngoài ra, cần lưu ý một số đối tượng sau: sâu vẽ bùa, sâu đục thân, rệp muội...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố: Tăng cường cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh trên các vườn cây có múi; phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời liên hệ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để phối hợp giải quyết (ĐT: 0207.3817.303)./.