,

Lúa

Hướng dẫn Phòng trừ một số sâu, bệnh hại lúa mùa (phần 2)

Để giúp người trồng lúa thực hiện tốt việc phòng trừ sâu, bệnh hại nhằm ổn định về năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong Chuyên mục Khuyến nông hôm nay, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn phòng trừ một số loại sâu, bệnh hại lúa mùa như sau:

1. Sâu đục thân

- Triệu chứng và tác hại

Sâu đục thân gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Ở thời kỳ đẻ nhánh - đứng cái, sâu non tập trung hại phía trong bẹ và đục vào thân ống của cây làm cho dảnh lúa bị héo; giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ bông, sâu gây hại ở đòng hoặc đục vào cuống bông cắt đứt sự vận chuyển dinh dưỡng, làm cho bông lúa không trỗ hoặc nếu trỗ thì các hạt sẽ lép và bông bị bạc trắng.

Trong một năm có từ 5 đến 6 lứa sâu; ở vụ lúa mùa, sâu lứa 5 nở và gây hại trong tháng 9; sâu lứa 6 sẽ gây bông bạc vào tháng 10 trên trà lúa mùa muộn, đây là 2 lứa sâu cần phải chú ý để phòng trừ, vì sâu gây hại thời điểm này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Trường hợp thấy bướm vũ hóa rộ trước khi lúa trỗ từ 5 đến 7 ngày thì tỷ lệ bông lúa bị hại là rất cao, nếu bướm vũ hóa sau khi lúa trỗ hoặc cùng với thời điểm lúa trỗ thì mức độ gây hại sẽ nhẹ hơn.

- Biện pháp phòng trừ

Diệt trưởng thành của sâu đục thân, ngắt ổ trứng mang đi tiêu hủy để ngăn ngừa trứng nở và sâu non gây hại.

Phun phòng sâu đục thân khi lúa bắt đầu trỗ và thấy xuất hiện trưởng thành của sâu bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Gà nòi 4GR; Virtako® 40 WG; Padan 4GR;... và các thuốc khác có cùng hoạt chất đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

2. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn

-  Triệu chứng và tác hại

+ Bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn gây ra và rất nguy hiểm đối với cây lúa. Bệnh gây hại từ lúc mạ đến lúc lúa chín, nhưng hại nặng nhất là giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến chín sữa. Khi vết bệnh mới xuất hiện, các mép lá bị héo xanh, sau đó lan dần vào trong phiến lá và từ trên xuống dưới, thường các lá bánh tẻ bị bệnh trước sau đó lan lên các lá non.

+ Bệnh đốm sọc do vi khuẩn gây ra thường xuất hiện vào giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng, khi mới bị bệnh trên phiến lá thường có các vết đốm nâu chạy dọc gân lá.

Cả hai loại bệnh đều xuất hiện những giọt dịch nhỏ, tròn, màu vàng đục bám trên bề mặt vết bệnh, sau đó có thể khô lại thành những viên keo vi khuẩn trông như trứng cá; bệnh phát sinh gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ thích hợp từ 26 đến 300C, ẩm độ trên 90%,

Vi khuẩn xâm nhiễm vào cây chủ yếu qua vết thương cơ giới, lan truyền nhờ nước, gió, mưa và tiếp xúc cọ xát giữa các lá cây trong ruộng. Các giống lúa có bản lá to, thân mềm hoặc những ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn cây sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Bệnh gây hại nặng làm phiến lá bị héo khô và mất khả năng quang hợp của lá dẫn đến giảm năng suất và chất lượng của lúa, gạo.

- Biện pháp phòng trừ

+ Tăng cường bón phân chuồng, bón cân đối N: P: K và kết thúc bón các loại phân hoá học khi lúa có đòng dài 0,5 đến 1cm, nhất là đối với những loại giống hay bị nhiễm bệnh.

+ Khi phát hiện ruộng lúa bị bệnh cần giữ nước trên ruộng từ 2 đến 3 cm, ngừng bón phân hoá học, phân bón qua lá, các chất kích thích sinh trưởng. Sử dụng một trong các loại thuốc như: Sasa 25WP, Avalon 8WP, Bactecide 20SL,  Anti-xo 200 WP... và các thuốc khác có cùng hoạt chất đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để trừ bệnh. Khi phun thuốc phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, nồng độ và liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc. Nếu bệnh nặng tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 đến 7 ngày, phun thuốc vào buổi chiều mát.

Ngoài các sâu bệnh hại lúa mùa nêu trên, bà con trồng lúa cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các loại sâu, bệnh hại như: Rầy, chuột; bệnh đạo ôn, khô vằn... để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Trên đây là hướng dẫn phòng trừ một số sâu, bệnh hại lúa vụ mùa. Đề nghị bà con nông dân thực hiện tốt để sản xuất đạt hiệu quả cao./.