,

Lúa

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHĂM SÓC, PHÒNG TRỪ MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI LÚA XUÂN (PHẦN 1)

Để giúp bà con nông dân sản xuất lúa thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, trong Chuyên mục Khuyến nông hôm nay, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ một số sâu bệnh hại lúa vụ xuân như sau:

1. Đối với lúa cấy

Trong thời điểm này, cây lúa đang ở giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh nên rất cần được chăm sóc, bón phân kịp thời để lúa sinh trưởng khoẻ, đẻ nhánh tập trung. Vì vậy, cần tập trung thực hiện công việc sau:

- Làm cỏ và bón thúc phân

+ Làm cỏ bón thúc phân lần 1: Sau khi lúa bén rễ hồi xanh và có 1 đến 2 lá mới, cần làm sạch cỏ dại trong ruộng lúa kết hợp bón thúc phân lần 1 với lượng phân bón như sau: Đối với ruộng lúa lai, bón 4 kg phân đạm urê và 4 kg phân kali; ruộng lúa thuần, bón 4 kg phân đạm urê và 3 kg phân kali cho một sào Bắc bộ (360 m2).

- Cách bón: Trộn đều các loại phân với nhau và bón đều cho toàn bộ diện tích ruộng lúa, kết hợp làm cỏ sục bùn; sau khi bón thúc lần 1 từ 10 đến 15 ngày, nếu ruộng lúa sinh trưởng không đồng đều cần bón bổ sung từ 1-2 kg phân đạm urê vào những chỗ lúa xấu.

- Tưới nước: Duy trì mực nước ổn định trong ruộng từ 2 đến 3 cm.

2.  Đối với lúa gieo thẳng

- Khi cây lúa có từ 2 đến 2,5 lá: Tiến hành tỉa giặm những chỗ bị mất khoảnh và làm sạch cỏ dại trong ruộng lúa, kết hợp thúc phân lần 1 cho lúa với lượng phân bón cho một sào Bắc bộ như sau:

+ Đối với ruộng lúa lai: Bón 2 kg đạm urê, và 1,5 kg kali.

+ Đối với ruộng lúa thuần: Bón 1,5 kg đạm urê, và 1 kg kali.

- Cách bón: Trộn đều các loại phân rồi bón cho toàn bộ diện tích lúa.

3. Phòng trừ sâu bệnh hại lúa

3.1. Ốc bươu vàng

* Tác hại: Ốc ăn phiến lá và lá nõn lúa, ốc hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối, ốc có thể cắn trụi tới tận gốc lúa, cây lúa khó có khả năng phục hồi.

* Biện pháp phòng trừ:

- Biện pháp thủ công:

Trước khi gieo cấy cần vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, khơi rãnh xung quanh ruộng để ốc tập trung vào rãnh thuận tiện cho việc thu gom ốc bằng tay.

Sau khi gieo cấy lúa, đối với những ruộng trũng có nước quanh năm, có nhiều ốc nên cắm cọc để ốc bò lên đẻ trứng và dùng các loại thức ăn ốc ưa thích như: Cây khoai nước, lá râm bụt... nhử ốc đến ăn tiện cho việc thu bắt và diệt trừ.

- Biện pháp hoá học:

Khi mật độ ốc từ 5 con/m2 trở lên có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Pazol 700WP, Cửu Châu 15GR, Kiloc 60WP,... nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Khi phun thuốc duy trì mực nước 2-3 cm là tốt nhất.

            Lưu ý: Các loại thuốc trên rất độc với người, động vật và động vật thủy sinh, vì vậy những ruộng mới phun thuốc trừ ốc tuyệt đối phải thực hiện biện pháp cách ly theo hướng dẫn trên bao bì.           

3.2. Sâu đục lá nõn lúa

Sâu trưởng thành là một loại ruồi nhỏ có mầu xám đen, cánh màng trong suốt, thường di chuyển trên lá lúa theo kiểu vừa đi vừa nhảy.

* Triệu chứng gây hại: Trưởng thành cái đẻ từng trứng trên bề mặt lá lúa, ấu trùng mới nở di chuyển xuống các lá non còn cuốn chưa mở và gây hại ở bìa lá. Khi lá trổ ra xuất hiện vết sẹo khuyết có màu vàng nhạt hoặc màu trắng, nếu bị hại nhẹ chỉ thấy vết thủng nhỏ trên lá. Cây lúa bị ruồi gây hại sẽ đẻ nhánh ít, chậm phát triển, kéo dài thời gian sinh trưởng. Sau thời gian bị hại khoảng 10-15 ngày lúa phục hồi sinh trưởng bình thường, tuy nhiên nếu bị hại nặng cây lúa sẽ khó phục hồi và thường chín muộn hơn

* Biện pháp phòng trừ:

Để quản lý có hiệu quả sâu đục nõn lúa, cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp sau:

- Vệ sinh sạch cỏ dại quanh ruộng trước khi cấy, gieo cấy lúa đồng loạt tập trung.

- Nên giữ nước săm xắp hoặc thay nước ruộng thường xuyên trong vòng 30 ngày đầu sau khi cấy để hạn chế sự gây hại của ruồi đục lá nõn.

 - Bón phân cân đối để phục hồi cây lúa khi bị hại sớm.

- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi ruồi xuất hiện với mật độ quá cao và xuất hiện muộn, sử dụng một trong các loại thuốc như: Kola 700WG, … để phun trừ ruồi; liều lượng, nồng độ pha thuốc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trong thời kỳ này, ngoài các sâu hại lúa nêu trên, người trồng lúa cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm thiên địch gây hại như: Chuột, bọ trĩ và bệnh đạo ôn... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh gây sụt giảm năng suất của vụ lúa xuân.

Trên đây là kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ một số sâu bệnh hại lúa vụ xuân. Đề nghị bà con nông dân thực hiện tốt để sản xuất lúa đạt hiệu quả kinh tế cao./.