,

Gia cầm

Hướng dẫn Kỹ thuật nuôi chim bồ câu

Để giúp bà con nông dân nuôi chim bồ câu đúng kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao… Trong Chuyên mục Khuyến nông hôm nay, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim bồ câu như sau:

1. Chọn giống

Chim bồ câu đ­ược chọn làm giống phải đảm bảo các yêu cầu: Khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi. Con trống có thân hình to, đầu thô, có phản xạ gù mái khi đã thành thục, khoảng cách giữa 2 x­ương chậu hẹp; con mái thường có thân hình nhỏ hơn con trống, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng.

Chim chọn làm giống là chim đã thành thục đạt từ 4 đến 5 tháng tuổi. Chọn chim giống phải theo đôi gồm 1 trống và 1 mái.

2. Chuồng nuôi và thiết bị nuôi chim

Yêu cầu chuồng nuôi chim bồ câu phải khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo đủu ánh sáng, tránh được gió lùa, mưa hắt và luôn giữ yên tĩnh.

a) Chuồng nuôi cá thể

Chuồng nuôi bao gồm các ô chuồng. Mỗi một đôi chim trống mái sinh sản được nuôi trong một ô chuồng có kích thước chiều cao là 40 cm, chiều dài: 60 cm, chiều rộng: 50 cm.

b) Chuồng nuôi quần thể

Kích thước của một gian chuồng: Có chiều dài: 6 m, chiều rộng: 3,5 m, chiều cao đến mái: 5,5 m. Mật độ nuôi thả từ 10 đến 14 con/m2.

3. Thiết bị nuôi chim

- Ổ đẻ: Do lúc chim đang ở giai đoạn nuôi con thì lại tiếp tục đẻ trứng, nên mỗi đôi chim cần có 2 ổ, gồm: Ổ để đẻ và ấp trứng đặt ở trên và một ổ để nuôi con đặt ở dưới.

- Ổ có thể làm bằng rổ tre, rá nhựa có lót rơm... để chim đẻ và ấp trứng; ổ phải được cố định chặt vào chuồng để tránh bị lật khi chim nhảy lên.

+ Yêu cầu: Sạch sẽ, khô ráo, tiện cho việc vệ sinh, thay lớp lót

+ Kích thước của ổ: Đường kính từ 20 đến 25cm, chiều cao từ  7 đến 8 cm.

- Ngoài ra, trong chuồng nuôi chim, cần có máng ăn, máng uống, máng đựng thức ăn bổ sung.

- Bóng đèn: Mùa đông ở Miền Bắc có ngày ngắn, nên lắp bóng điện chiếu sáng thêm từ 3 đến 4 giờ vào buổi tối với độ chiếu sáng 5w (oát)/m2 nền chuồng.

4. Dinh dư­ỡng và thức ăn nuôi chim

a) Các loại thức ăn thư­ờng sử dụng nuôi chim

Thông th­ường chim ăn trực tiếp các loại hạt thực vật: Đỗ, ngô, thóc, gạo… và một lượng cần thiết thức ăn đã gia công chứa nhiều chất khoáng và vitamin.

Chim bồ câu cần một l­ượng nhất định các hạt sỏi nhỏ, giúp cho chim trong quá trình tiêu hoá của dạ dày (mề). Nên cho lượng sỏi nhỏ vào máng dành riêng đựng thức ăn bổ sung cho chim ăn, trộn cùng với muối ăn và khoáng Premix.

b) Cách phối trộn thức ăn

Giới thiệu 2 khẩu phần đang đ­ược ứng dụng nuôi chim bồ câu:

* Khẩu phần 1: Sử dụng nguyên liệu thông thường

+ Đối với chim sinh sản: Ngô (50%) + Đỗ xanh (30%) + Gạo (20%).

+ Đối với chim dò: Ngô (50%) + Đỗ xanh (25%) + Gạo (25%).

* Khẩu phần 2: Sử dụng kết hợp cám gà công nghiệp

+ Đối với chim sinh sản: Cám viên công nghiệp (60%) + Ngô hạt (40%).

+ Đối với chim dò: Cám viên công nghiệp (48%) + Ngô hạt (52%).

- Ngoài ra, cần cung cấp thức ăn bổ sung với tỷ lệ phối trộn gồm: Khoáng (85%) + Muối (10%) + Sỏi nhỏ (5%)

c) Cách cho ăn

- Thời gian cho ăn: Cho ăn 2 lần trong ngày, buổi sáng từ 8h đến 9h, buổi chiều từ 14h đến 15h, nên cho ăn vào một thời gian cố định trong ngày.

- Định l­ượng ăn: Tuỳ theo từng loại chim mà chúng ta cho ăn với số lượng thức ăn khác nhau, thông th­ường l­ượng thức ăn bằng 1/10 khối l­ượng cơ thể.

- Chim dò từ 2 đến 5 tháng tuổi: Lượng thức ăn cần 40g đến 50g /con/ngày.

- Chim sinh sản: Từ 6 tháng tuổi trở lên.

+ Khi nuôi con: Lượng thức ăn từ 125g đến 130g /đôi/ngày.

+ Không nuôi con: Thức ăn cần từ 90g đến 100g /đôi/ngày.

- L­ượng thức ăn của một đôi chim sinh sản khoảng từ 45 đến 50 kg/năm.

5. N­ước uống

Đảm bảo đủ n­ước sạch để chim uống tự do và mỗi ngày đều phải thay nước. Có thể bổ sung Vitamin và kháng sinh vào trong nư­ớc để phòng bệnh khi cần thiết, trung bình mỗi chim bồ câu cần 50 đến 90 ml nước/ngày.

6. Phòng bệnh cho chim bồ câu

- Phòng bệnh chung: Về thức ăn, không được cho chim ăn thức ăn mốc, ẩm, nước uống phải sạch. Định kỳ chủng đủ 3 loại vacxin gồm: la-sô-ta, gum-bô-rô, ma-rek để phòng chống một số bệnh thường gặp cho chim.

- Cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, tránh ẩm ướt vào mùa xuân.

- Hạn chế cho chim lạ vào chuồng; phòng tránh chuột, chó, mèo, rắn... tấn công chim. Hàng ngày quét, dọn phân chim tránh để phân chim vương vãi ra mọi nơi. Nếu sắp xếp để các chuồng thành tầng, thì giữa các tầng phải có tấm ngăn chắn phân hoặc phải đóng khít để phân không rơi xuống các tầng dưới.

Trên đây là kỹ thuật nuôi chim bồ câu. Đề nghị người nuôi chim bồ câu áp dụng đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả kinh tế cao./.