,

Gia súc

Hướng dẫn Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt đảm bảo vệ sinh môi trường

Để giúp người chăn nuôi tăng cường kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt đạt hiệu quả kinh tế cao, trong chuyên mục Khuyến nông hôm nay, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt đảm bảo vệ sinh môi trường như sau:

1. Về chuồng trại

- Địa điểm chăn nuôi: Chọn nơi phù hợp, cao ráo, có đủ nước, xa khu dân cư để xây dựng chuồng trại. Chuồng làm theo hướng Nam hoặc hướng Đông Nam là tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Tùy theo số lượng lợn cần nuôi và mật độ lợn nuôi trong các ô chuồng để lựa chọn xây dựng chuồng nuôi theo quy mô công nghiệp hoặc theo quy mô nông hộ nhỏ.

Yêu cầu chuồng nuôi phải có hố chứa phân và nước thải phù hợp, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và môi trường xung quanh.

- Có thể áp dụng làm nền chuồng bằng đệm lót sinh học để chăn nuôi lợn đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

- Diện tích chuồng nuôi:  Từ 1 - 1,2 m2/con, số lợn/1 ô nên từ 10 - 15 con.

2. Chọn giống lợn nuôi thịt

- Lợn lai F1 (lai giữa lợn đực ngoại và cái nội), có khả năng tăng trọng khá, tỷ lệ nạc cao hơn lợn nội thuần.

- Lợn lai 2 máu ngoại, lợn lai 3 và 4 máu ngoại thường thể hiện ưu thế lai cao; lợn lớn nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp và khả năng chống chịu bệnh tốt hơn so với giống lợn ngoại nguyên chủng nuôi thịt.

- Chọn giống lợn để nuôi thịt: Nên chọn những con khỏe mạnh, không có bệnh tật, lông mượt, da bóng. Thân hình phát triển cân đối (trường mình, rộng lưng, nở ngực, mông to, 4 chân khỏe). Lợn giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tốt nhất nên nhập giống từ các trại lợn giống đã có chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

3. Chăm sóc nuôi dưỡng

Lợn nuôi thịt có đặc điểm là sinh trưởng theo từng giai đoạn: Giai đoạn đầu chủ yếu phát triển về cơ, xương, tiếp theo là giai đoạn phát triển về nạc và sau cùng là giai đoạn tích lũy mỡ. Từ những đặc điểm đó cần chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng.

- Giai đoạn 1: Lợn từ 61 ngày tuổi đến 90 ngày tuổi (khối lượng cơ thể từ 15 đến 30kg): Đây là giai đoạn lợn vừa cai sữa mẹ, nhu cầu phát triển cơ, xương cao; vì vậy thức ăn cần đầy đủ chất khoáng, vitamin và duy trì từ 17-18 % Protein thô.

Chú ý: Vệ sinh chuồng trai sạch sẽ và cho lợn ăn 3 bữa trong ngày bằng thức ăn viên hỗn hợp bán trên thị trường hoặc thức ăn tự phối trộn đáp ứng đủ thành phần dinh dưỡng.

- Giai đoạn 2: từ 90 ngày tuổi đến 150 ngày tuổi (khối lượng cơ thể từ 31kg đến 61kg): Giai đoạn này thể vóc càng phát triển thì càng có điều kiện tốt hơn cho giai đoạn vỗ béo sau này. Duy trì lượng thức ăn ở mức đảm bảo 15% Protein thô.

- Giai đoạn vỗ béo: Đây là giai đoạn tích luỹ mỡ nên không cho lợn ăn quá nhiều, duy trì lượng thức ăn ở mức đảm bảo 13% Protein thô. Cho uống đủ nước sạch, hạn chế vận động. Nếu là mùa hè thì chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát, mỗi ngày cần tắm cho lợn 2 lần. Giữ ấm cho lợn về mùa đông.

* Cách tính lượng thức ăn cho một lợn thịt/ngày

Tùy theo khối lượng của cơ thể lợn để tính khẩu phần thức ăn hỗn hợp cho 1 con lợn trong 1 ngày, cụ thể:

- Đối với lợn từ 10kg đến 30kg: Lấy khối lượng cơ thể lợn nhân với 5,3%

- Đối với lợn từ 31kg đến 60kg: Lấy khối lượng cơ thể  lợn nhân với 4,3%

- Đối với lợn từ 61kg trở lên:     Lấy khối lượng cơ thể lợn nhân với 3,4%

Ví dụ: Khối lượng thực tế của cơ thể lợn nặng 40 kg, lượng thức ăn cần thiết cho 1 ngày là  40 x 4,3% = 1,72 kg/con/ngày.  

4. Công tác thú y

- Khi nhập lợn giống về phải tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định của cơ quan thú y như: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng... và phải nuôi cách ly 2 tuần sau đó mới nhập vào chuồng nuôi mới.

- Tẩy giun sán khi lợn đạt 18 - 22 kg. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi.

- Kết thúc nuôi 1 lứa lợn phải sử dụng vôi hoặc các chất sát trùng phun khử trùng chuồng trại và để trống chuồng trong thời gian 2 tuần mới nuôi lứa khác.

5. Xử lý chất thải bảo vệ môi trường

- Các chất thải vô cơ như kim tiêm, túi nilon... được thu gom và chuyển đến nơi xử lý riêng.

- Các chất bã thải từ lợn phải được thu dọn riêng và xử lý ủ với men vi sinh để phân hủy nhanh. Hố chứa phân, nước thải phải có nắp đậy đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường xung quanh. Nên xây hoặc lắp đặt bể biogas để xử lý chất thải vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được nguồn khí đốt cho gia đình.

- Cần bổ sung thêm chế phẩm vi sinh vào thức ăn và sử dụng cân đối khẩu phần ăn cho lợn để giảm mùi hôi của chất thải.

Trường hợp lợn bị ốm, chết không rõ nguyên nhân cần kịp thời báo cho cán bộ thú y để xử lý đúng theo quy định, không được thải ra môi trường.

Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúc người chăn nuôi thực hiện đạt hiệu quả kinh tế cao./.