,

✍ Cơ chế, chính sách tạo động lực, hỗ trợ thanh niên tiếp cận công nghệ, ứng dụng thực hiện chuyển đổi số vào trong lĩnh vực nông nghiệp

HỎI:

Câu hỏi 1: Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao đã được một số mô hình thanh niên phát triển kinh tế áp dụng. Tại tỉnh ta, có thể kể đến tiêu biểu như đoàn viên Nguyễn Việt Lâm - Giám đốc công ty TNHH MTV GreenFarm đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng trồngcác loại dưa theo hướng nông nghiệp sạch. Toàn bộ diện tích vườn được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu, bệnh hại; và còn một số tấm gương phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp tiêu biểu khác: Đoàn viên Trần Văn Xuân – mô hình sản xuất rượu Chín chum (đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu đi nhiều nước quốc tế), đoàn viên Bùi Văn Hoàng - HTX dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp hợp hòa với mô hình kinh tế phát triển sản xuất Cà gai leo Hợp Hòa… Tuy nhiên, ngoài một số mô hình thanh niên kinh tế tiêu biểu kể thì hiện tại trên địa bàn tỉnh ta hiện nay còn rất nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế nhưng chưa ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất quy mô lớn. Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là chi phí đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số này lớn, kỹ năng của thanh niên chưa nhiều nên còn e ngại. Vậy, trong thời gian tới tỉnh có những cơ chế, chính sách cụ thể gì để tạo động lực, hỗ trợ thanh niên tiếp cận công nghệ, ứng dụng thực hiện chuyển đổi số vào trong lĩnh vực nông nghiệp?

TRẢ LỜI:
  • Cùng chung với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, công cuộc chuyển đổi số ở tỉnh ta đã và đang được đẩy mạnh thực hiện: Tỉnh đã phê duyệt chủ trương, đề cương và dự toán thực hiện dự án Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử (WebGIS) phục vụ quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển đổi số trong nông nghiệp đến năm 2030; tiếp tục triển khai Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025"; cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đối số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân; tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng phần mềm và kho dữ liệu dùng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.
  • Hoà chung với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, trong sản xuất nông nghiệp, cũng đã xuất hiện nhiều những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động ứng dụng công nghệ số trong tổ chức, quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã có tác động mạnh mẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị: Quản lý hiệu quả hơn, tối ưu hoá trong sử dụng lao động, tiết kiệm chi phí nhân công. Năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao! Thuận lợi trong khai thác và tìm kiếm thị trường (trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình; hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới) Gia tăng lợi nhuận... Có thể kể đến nhiều những mô hình thanh niên điển hình về chuyển đổi số như đã nêu trong câu hỏi, ngoài ra còn có nhiều những mô hình điển hình về ứng công nghệ số trong phát triển sản xuất nông nghiệp như:
  • Ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý giống, cân đối khẩu phần và phối trộn thức ăn của Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Việt Nam - Trang trại Bò sữa Tuyên Quang; Công ty DABACO. 
  • Ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý giống, Quản lý thuốc Thú y và Thức ăn chăn nuôi, quản lý nhân công lao động, quản lý xuất nhập sản phẩm của: Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (xã Quyết Thắng, Sơn Dương); Trang trại chăn nuôi lợn của ông Trần Mạnh Quỳnh (xã Kháng Nhật, Sơn Dương); Trang trại chăn nuôi lợn của bà Nguyễn Thị Định (xã Sơn Nam, Sơn Dương).
  • Phát triển nhà lưới gắn với hệ thống tưới chủ động, hệ thống đo độ ẩm trong sản xuất: Dưa lưới, dưa chuột, cà chua, rau thuỷ canh, rau củ quả các loại,… tại một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình thuộc huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang.
  • Cấp 10 mã số vùng trồng và 02 mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu (Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm: 07 mã số vùng trồng chè và 01 mã số cơ sở đóng gói; Tổ hợp tác Hương chè Vĩnh Tân: 01 mã số vùng trồng chè và 01 mã số cơ sở đóng gói; 01 mã số vùng trồng bưởi Soi Hà; Hợp tác xã Nông nghiệp Ánh Dương: 01 mã số vùng trồng Thanh Long). 
  • Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với những mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: (1). Tham mưu việc nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất tổ chức, triển khai sử dụng nền tảng số quốc gia đối với nền tảng dữ liệu số nông nghiệp. (2) Tham mưu việc nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất tổ chức, triển khai sử dụng nền tảng số quốc gia đối với nền tảng truy suất nguồn gốc nông sản. (3) Triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2022 – 2025. (4) Hỗ trợ mô hình, chuyển đổi kinh tế nông nghiệp số. (5) Ứng dụng công nghệ số giám sát công trình thủy lợi, môi trường nuôi trồng thủy sản vùng nuôi trồng tập trung. (6) Tiếp tục thực hiện Dự án Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử (WebGIS) phục vụ quản lý ngành nông nghiệp và phát triển chuyển đổi số trong nông nghiệp đến năm 2030. (7) Tham mưu xây dựng, triển khai phát triển và sử dụng nền tảng truy suất nguồn gốc nông sản. (8) Hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, quản lý cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản; cơ sở dữ liệu quản lý về thú y. (9) hình thành cơ sở dữ liệu quản lý mã số vùng trồng.
  • Với những nhiệm vụ trọng tâm đã xác định, ngành rất mong sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân nói chung và lực lượng thanh niên hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng phối hợp, tham gia thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh của đơn vị nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số của tỉnh và lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề ra.

Câu hỏi cùng chuyên mục