,

✍ Phương hướng cụ thể giúp tháo gỡ các thủ tục, quy trình rườm rà thông qua ứng dụng công nghệ số và giải pháp nào trong quá trình đăng ký tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ hoặc đăng ký sản phẩm OCOP

HỎI:

Thời gian qua, đã có nhiều mô hình thanh niên xây dựng kinh tế nông thôn và tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đạt sao, thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Tuy nhiên, việc đăng ký tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ hay đăng ký công nhận sản phẩm OCOP đối với thanh niên còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do quy trình, thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều bước, mất nhiều thời gian, chưa có giải pháp áp dụng hiệu quả chuyển đổi sổ trong thực hiện các thủ tục này. Ví dụ như: - Thứ nhất, việc đăng ký tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ không có hệ thống truy xuất điện tử, không có nhiều buổi tổ chức tập huấn để đơn vị là doanh nghiệp được hỗ trợ về hướng dẫn sử dụng, kích hoạt tem, cập nhật thông tin sản phẩm trên hệ thống; - Thứ hai, đăng ký công nhận sản phẩm OCOP được thực hiện theo quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 03 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương. Và tại mỗi cấp thì quy trình đánh giá xếp hạng sản phẩm trải qua nhiều bước với nhiều thủ tục, giấy tờ, rất mất thời gian. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ 4.0, song hành với đó là sự phát triển của chuyển đổi số, kinh tế số. Vậy tôi xin đề nghị lãnh đạo tỉnh có thể cho biết có những phương hướng cụ thể nào để giúp tháo gỡ các thủ tục, quy trình rườm rà thông qua ứng dụng công nghệ số và giải pháp nào trong quá trình đăng ký tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ hoặc đăng ký sản phẩm OCOP để người dân nói chung, đoàn viên, thanh niên nói riêng nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả hơn không?

TRẢ LỜI:

* Về đăng ký tem truy xuất:

  • Xu hướng của người tiêu dùng là sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do vậy, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu hướng tất yếu và yêu cầu của thị trường, tạo niềm tin để khách hàng tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp.
  • Tem truy xuất nguồn gốc là một loại tem điện tử có chứa mã xác thực dưới dạng mã QR Code và dán lên trên những sản phẩm do (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất…) sản xuất và cung cấp ra thị trường. 
  • Tem truy xuất nguồn gốc không chỉ với doanh nghiệp và người tiêu dùng, tem truy xuất nguồn gốc còn mang lại lợi ích đối với nhà nước và xã hội, như: (1) Bài trừ hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng (2) Khi có sự có phát sinh về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái đơn vị quản lý sẽ dễ dàng hơn trong việc truy xuất đơn vị gây ra sự cố (3) Hỗ trợ nhà nước, cơ quan chính quyền trong quá trình quản lý những sản phẩm do các (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất…) sản xuất và cung cấp ra thị trường. 
  • Hiện nay, việc đăng ký tem truy xuất nguồn gốc trực tiếp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 2 tập đoàn viễn thông cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có nhu cầu thì có thể trực tiếp đăng ký với 01 trong 02 đơn vị sau: (1) Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội “Viettel” số 172 đường Bình Thuận, tổ 9 phường Tân Quang, Thành phố Tuyên Quang; (2) Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam “VNPT” địa chỉ: Số 2, đường 17/8, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang. Đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã liên hệ thực hiện.
  • Trong quá trình triển khai thực hiện theo yêu cầu và hợp đồng từ hai bên; bộ phận chăm sóc khách hàng của bên cung cấp dịch vụ sẽ hướng dẫn sử dụng, kích hoạt tem, cập nhật thông tin sản phẩm trên hệ thống.

* Chương trình OCOP:

  • Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. - Về chu trình OCOP thực hiện theo 06 bước: (1) Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; (2) Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; (3) Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; (4) Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; (5) Đánh giá và xếp hạng sản phẩm; (6) Xúc tiến thương mại.
  • Về trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hiện nay thực hiện theo Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá ở 03 cấp như sau: Cấp huyện tổ chức đánh giá và chuyển hồ sơ sản phẩm có số điểm đạt từ 50 điểm đến 100 điểm lên Hội đồng cấp tỉnh đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP; Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, đề xuất UBND tỉnh công nhận xếp hạng sản phẩm đạt từ 3 sao (đạt từ 50 điểm đến 69 điểm) đến 4 sao (đạt từ 70 điểm đến 89 điểm) và chuyển hồ sơ đạt từ 90 điểm đến 100 điểm lên Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao.
  • Yêu cầu về hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP và tiêu chí đánh giá được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hồ sơ gồm có 5 mục bắt buộc (gồm: Phiếu đăng ký sản phẩm; phương án/kế hoạch sản xuất kinh doanh; giới thiệu tổ chức bộ máy; giấy đăng ký kinh doanh; sản phẩm mẫu) và 13 mục yêu cầu tài liệu minh chứng bổ sung hồ sơ do các chủ thể chuẩn bị trình trước Hội đồng đánh giá các cấp (như: Giấy đủ điều kiện sản xuất; bản tự công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; phiếu kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu; bảo vệ môi trường; hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; kế toán; phát triển thị trường; câu chuyện sản phẩm….).
  • Như vậy, về quy trình đánh giá và thủ tục hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. - Đến nay, các thủ tục hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP chưa ứng dụng công nghệ số. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ số trong đăng ký hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chưa thực hiện được trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Mặt khác, qua theo dõi thực hiện Chương trình OCOP cho thấy nhiều chủ thể tham gia đánh giá lần đầu chưa hiểu rõ được nội dung và yêu cầu khi tham gia chương trình OCOP; quá trình lập hồ sơ còn phó mặc cho đơn vị tư vấn, chưa kiểm soát kỹ trước khi ký các văn bản trong hồ sơ, khi chuyển lên Hội đồng cấp tỉnh vẫn phải chỉnh sửa nhiều; trình độ năng lực của các chủ thể không đồng đều, một số chủ thể năng lực áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình sản xuất, thương mại và lập hồ sơ còn yếu, đây cũng là khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
  • Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, xin ý kiến các địa phương; dự kiến quy trình đánh giá có sự thay đổi, như sau: Cấp huyện đánh giá và Quyết định công nhận sản phẩm hạng 3 sao; cấp tỉnh đánh giá và Quyết định công nhận sản phẩm hạng 4 sao; Cấp Trung ương đánh giá và Quyết định công nhận sản phẩm hạng 5 sao. Nếu được phê duyệt thì quy trình đánh giá và công nhận sản phẩm 3 sao sẽ được rút ngắn một cấp đánh giá.

Câu hỏi cùng chuyên mục