,

Sâu, bệnh hại

Địa phương nào cũng có thể áp dụng cách này thay vì thuốc trừ ốc

Hơn năm trước khi anh Vũ Văn Hoan - Phó Phòng NN-PTNT huyện Thanh Sơn kể 1 xã có 20ha lúa không phải dùng đến thuốc trừ ốc, tôi đã không tin.

Dân từ nghi ngờ đến tin theo

Bởi lẽ đang có hai vấn đề nan giải của canh tác lúa hiện nay là cỏ dại và ốc bươu vàng, chúng khiến cho nông dân dần lệ thuộc vào thuốc BVTV hóa học tưởng chừng không lối thoát. Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ 10 - 15 năm trước còn có cảnh cào cỏ, bắt ốc bươu vàng bằng tay nhưng giờ đây cũng không là ngoại lệ.

Anh Hoan kể: “Lúc đầu tôi nghĩ đổ giun bằng nước vôi, giun cũng xót mà phải lên hết thì chắc ốc bươu vàng cũng không chịu được nên làm thí nghiệm tại mảnh ruộng nhỏ của nhà ông cậu ở xã Lương Nha và thành công ngay vụ đầu. Cụ thể là ruộng bừa lên, tháo nước vào sao cho đất bên trong ở trạng thái sột sệt rồi tung 15 - 20kg vôi bột, phơi khoảng mấy ngày là ốc chết, tỷ lệ có thể đạt tới 95%.

Vụ mùa năm 2020 Phòng NN-PTNT Thanh Sơn khi xây dựng mô hình cấy 3ha giống lúa nếp Quạ đen đặc sản ở xã Thắng Sơn theo hướng hữu cơ, tôi mới khuyên áp dụng cách tung vôi này để diệt ốc bươu vàng nhưng bà con chẳng mấy ai tin cả. Đầu tiên họ còn làm theo rất rụt rè, kiểu đối phó, về sau thấy hiệu quả, mới chịu áp dụng đồng loạt. Vụ mùa năm 2021 họ áp dụng trên 20ha nếp Quạ đen dù tung vôi hơi mất công một tí so với dùng thuốc trừ ốc hóa học…”.

Anh Đinh Văn Dự - Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Thắng Sơn (trái) cùng lãnh đạo xã đi kiểm tra ruộng lúa tung vôi trừ ốc bươu vàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đinh Văn Xuân - một nông dân ở khu Giai Thượng xã Thắng Sơn bảo với tôi rằng cách đây chừng 30 năm, ông Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, quê ở cùng xã có sang Trung Quốc hay Đài Loan gì đó tham quan, về mang theo ít ốc bươu vàng, bảo rằng quý lắm, xây bể để nuôi rồi phát tán giống ra khắp vùng. Còn nhiều nguồn ốc bươu vàng khác nữa được chuyển về Việt Nam theo cách tương tự như vậy, để giờ đây, đâu đâu cũng có.

Chúng ngốn rào rào lúa non mới cấy còn nhanh hơn cả tằm ăn rỗi, nếu không xử lý sẽ mất 30 - 40% thậm chí là mất trắng luôn mùa vụ. Bởi thế, nông phải dùng thuốc hóa học trừ ốc trước khi cấy, còn trong quá trình lúa phát triển, nhiều lần phải bắt, ném lên đường cho xe ô tô cán qua hay nhét vào bao tải về ủ làm phân bón hoặc đập lấy ruột cho gà, vịt ăn.

“Tung vôi khử chua đất đã có từ xưa, chúng tôi khi bừa ải cho nước vào, tung 5 - 10kg vôi rồi cả tháng sau mới cấy nên không có tác dụng diệt ốc bươu vàng. Còn cách tung vôi trừ ốc bươu vàng là tung khoản 1 tuần trước khi cấy với số lượng nhiều hơn, khoảng 20 kg/sào, mực nước luôn giữ trong ruộng chỉ khoảng 2 - 3cm chứ không phải để nhiều như trước. Làm như thế khoảng 2 - 3 hôm sau là ốc bươu vàng chết hết.

Vụ mùa đầu tiên nhà tôi cấy 3 sào nếp Quạ đen, năng suất đạt 1,4 - 1,5 tạ, vụ mùa thứ hai cấy 5 sào nếp Quạ đen, năng suất đạt 1,6 - 1,7 tạ/sào. Với giá thóc bán ngay tại nhà là 20.000 đồng/kg nên cho thu nhập gần gấp 3 lần lúa thường. Vụ xuân này không cấy nếp Quạ đen được, chỉ cấy lúa tẻ nhưng tôi vẫn tung vôi diệt ốc bươu vàng bởi giá rẻ hơn thuốc hóa học lại không độc hại. Mỗi sào ruộng xử lý hết 20kg vôi tương đương 70.000 đồng lại còn có tác dụng khử chua cho đất nữa...”, ông Xuân thông tin.

Anh Đinh Văn Dự - Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Thắng Sơn (phải) cùng lãnh đạo xã đi kiểm tra một thửa ruộng tung vôi diệt ốc bươu vàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng không phải nhà nào khi khởi đầu áp dụng giải pháp kỹ thuật mới này đều dễ dàng như nhà ông Xuân. Anh Đinh Văn Dự - Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Thắng Sơn cho hay, vụ mùa đầu tiên, trực tiếp mình phải mua hơn 1 tấn vôi về để bán cho bà con nhưng họ cứ nhao nhao lên bảo rằng: “Phải dùng thuốc ốc mới chết chứ tung vôi làm sao mà ốc chết được?”.

Xã miền núi, dân lại càng bảo thủ, họ cứ làm theo tập quán cho chắc ăn vì vãi thuốc hóa học buổi sáng, buổi chiều đã thấy ốc chết hết rồi còn tung vôi thì phải chờ đợi. Nhưng không ngờ, tung vôi được đúng 3 hôm là ốc chết sạch, đắp nước vào xác đồng loạt nổi lên, khi xả ra trôi bằng hết cùng lớp váng chua là cấy được.

Tung vôi diệt ốc bươu vàng mỗi vụ lúa chỉ cần làm 1 lần duy nhất, còn để ngăn ốc bươu vàng từ kênh mương vào ruộng phá hoại thì nông dân  chẻ những thanh tre, nứa đan thành những tấm mành ngăn. Thấy được hiệu quả rõ rệt, vụ mùa năm sau khi cấy nếp Quạ đen thì anh Dự không phải mua vôi dự trữ cho bà con nữa mà họ tự chủ động.

Vì là sản xuất theo hướng hữu cơ, anh Dự tuyên truyền luôn không được dùng cả thuốc trừ cỏ và trực tiếp quán triệt việc này bằng cách ngày nào cũng ra đồng để kiểm tra. Thay cho trừ cỏ bằng thuốc hóa học độc hại thì bà con dùng cào, sục bùn, phá váng. Được cái giống nếp Quạ đen tuy mạ già, cấy 1 dảnh nhưng lại phát triển nhanh. Cấy hơn chục ngày là lúa đẻ nhánh, tuần tiếp theo đã thành 6 - 7 dảnh, lan kín mặt ruộng khiến cho cỏ không kịp mọc theo nên bà con chỉ việc đi nhặt các nhánh cỏ còn sót lại.  

Người già nên “thay đổi đầu óc” khó 

Rõ ràng là việc tung vôi diệt ốc bươu vàng vừa đỡ độc hại cho nông dân, môi trường và người tiêu dùng, cách làm cũng khá thuận tiện và rẻ nhưng chỉ áp dụng được 100% trên diện tích nếp Quạ đen ở vụ mùa, còn vụ xuân, áp dụng trên lúa tẻ ở Thắng Sơn mới được khoảng 30% diện tích. Theo anh Vũ Văn Hoan - Phó Phòng NN-PTNT huyện Thanh Sơn bởi làm nông giờ toàn lao động già, đã quen với tập quán cũ: “Tôi nghĩ có thể áp dụng biện pháp tung vôi diệt ốc được ở cả hai vụ tại nhiều địa phương, có cái chưa tạo thành thói quen bởi lệ thuộc vào thuốc diệt ốc hóa học vì tiện, vì “nhàn” hơn ban đầu.

Hình dạng độc đáo của hạt thóc nếp Quạ đen nhà ông Xuân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Là người gắn bó với miền núi, tôi thấy người dân ở đây lệ thuộc vào thuốc BVTV hóa học khoảng 20 năm nay rồi, giờ không còn mấy ai làm cỏ, bắt ốc bằng tay cả. Khi tung vôi, ốc bươu vàng chết sặc rất đồng loạt, vì sao mà chúng chết thì phải có nghiên cứu thêm, tiếc là giờ tôi mới nghỉ hưu cuối năm ngoái, không còn cơ hội tiếp tục công việc đó. Ngoài xã Thắng Sơn tôi đang định làm mô hình ở xã Văn Miếu nhưng cũng không kịp nữa.

Biện pháp kỹ thuật này có thể áp dụng được ở nhiều nơi, miễn là có điều kiện chủ động về tưới tiêu để rút nước sền sệt trên mặt ruộng rồi tung vôi, giữ trong mấy ngày. Vụ xuân vẫn xử lý tốt được ốc bươu vàng, có điều chúng sẽ chết chậm hơn ở vụ mùa bởi kết hợp giữa nắng nóng và sặc vôi. Muốn thành công, đầu tiên phải tập huấn tuyên truyền mạnh, sau đó mỗi xã làm mô hình cho người dân nhìn thấy thực tế mà học theo. Trong quá trình thực hiện phải có người giám sát kỹ lưỡng gồm tổ trưởng khuyến nông, tổ trưởng tổ sản xuất...”

Liệu biện pháp kỹ thuật trên có làm hỏng đất do bón nhiều vôi quá không? Tôi hỏi anh Hoan. Anh trả lời ngay: “Lượng vôi bón đó không đáng gì cả. Ruộng đồng của bà con chua do trong nhiều năm toàn bón phân hóa học, trước mỗi vụ chúng tôi khuyến cáo nên bón 15 - 20kg vôi/sào nhưng nhiều thửa bao nhiêu năm không bón 1kg vôi nào. Tung vôi để diệt ốc với mức 20 kg/sào là hoàn toàn cho phép.

Ngoài diệt ốc bươu vàng, vôi còn giúp sát khuẩn, diệt thêm một số nấm bệnh như khô vằn, đạo ôn…khử chua cho đất, cung cấp vi lượng, cải tạo đồng ruộng, phục hồi sinh thái, giúp cho lượng tôm cá phát triển khác hẳn so với mọi năm. Năng suất giữa ruộng tung vôi và không tung vôi tôi chưa đo đếm được cụ thể nhưng thấy lúa phát triển hơn…”.

Hai cái bánh chưng anh Dự dúi vào tay trước khi rời đi giúp cho tôi ấm lòng những sáng, trưa giá rét trên đường lang thang khắp Thanh Sơn, Tân Sơn mà không phải ghé vào hàng quán thời Covid đang lan tràn, chỗ nào cũng rực sắc đỏ. Nó mềm dẻo, đậm đà và thanh mát, nhân thịt lại có vị rất lạ, thơm dậy mùi núi rừng của hạt dổi hay mắc khén gì đó khiến trong đầu tôi bật ra ý nghĩ, phải viết một bài về giống nếp đặc biệt này, về người có công phục hồi chúng trước bờ vực tuyệt chủng.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục