,

Góc nhìn

Hiệu quả từ mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP

Hiệu quả từ mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP

Tuyên Quang có tổng diện tích chè gần 8.500 ha; cây chè được trồng tập trung tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên; vùng chè Shan tuyết tại huyện Na Hang, Lâm Bình với diện tích chè Shan tuyết hiện có trên 1.300 ha.

Toàn tỉnh hiện có 3 Công ty CP chè: Sông Lô, Mỹ Lâm, Tân Trào và trên 40 cơ sở sản xuất, chế biến. Đã có 15 sản phẩm chè được đăng ký nhãn hiệu; có 20 sản phẩm chè được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 08 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 12 sản phẩm xếp hạng 3 sao như: Chè Shan Tuyết Hồng Thái, Chè xanh Ngọc Thuý đinh, Chè xanh Ngọc Thuý, Trà xanh hữu cơ Trung Long, Chè xanh Tâm Trà, Chè Shan Kia Tăng...

Hiện nay, toàn tỉnh có 849,9 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong đó: 93 ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 27,5 ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; 729,4 ha chè của Công ty CP chè Mỹ Lâm và Công ty CP chè Tân Trào được tổ chức Rainforest cấp chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững. Hàng năm, cây chè mang lại giá trị cho địa phương từ 700-720 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trên địa bàn tỉnh.

Những biến động và xu hướng phát triển của thị trường quốc tế đã có những ảnh hưởng nhất định đến sản xuất nông nghiệp trong nước nói chung và nông nghiệp của tỉnh nói riêng, đặc biệt là xu hướng tiêu thụ sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, hữu cơ, Rainforest... sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu với sự giám sát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp hiện nay, góp phần nâng cao thu nhập và đời sồng của người làm chè.

Sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) bao gồm những yêu cầu trong sản xuất, sơ chế sản phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm; sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Để tìm hiểu về mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh. Hiện nay, Hợp tác xã có 5 ha chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 7 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP: Trong đó có 04 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 04 sao và 03 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Mỗi năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 20 đến 30 tấn chè khô với các sản phẩm chè: Chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy Nõn, chè xanh Ngọc Thúy Đinh... Hợp tác xã có hệ thống đại lý bán sản phẩm bán ổn định tại các tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc. Ngoài ra, Hợp tác xã bán lẻ các sản phẩm trà trên toàn quốc khi có khách hàng đặt.

Sản phẩm chè của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đạt chứng nhận OCCP 04 sao và 03 sao được trưng bày tại Hội nghị ngành Nông nghiệp và PTNT và gian hàng của Hợp tác xã

Anh Nguyễn Công Sử - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Khi thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi người làm chè phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của quy trình như: Sổ ghi chép nhật ký về mua, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ghi chép ngày thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm ...

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP người trồng chè cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Điều tra định kỳ để xác định sớm được đối tượng sâu bệnh hại, thời điểm phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả và điều quan trọng hơn là khi mật độ sâu chưa vượt ngưỡng kinh tế thì chưa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ít độc như: thuốc thảo mộc, sinh học. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép sử dụng trên cây chè do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Đảm bảo cho sản phẩm chè vừa an toàn, vừa chất lượng, bảo vệ được thiên địch, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Các biện pháp: Đốn đúng thời vụ, hái đúng kỹ thuật, bón phân hợp lý (sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, phân hữu cơ sinh học, phân có nguồn gốc hữu cơ kết hợp với tủ gốc và tưới nước để cây chè sinh trưởng khỏe, có khả năng chống chịu với sâu bệnh hại).

Anh Nguyễn Công Sử cho biết thêm: Từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đầu tư máy móc quy trình chế biến đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè khô của Hợp tác xã lên 1,5 đến 2 lần. Trước đây sản phẩm chè Ngọc Thúy bán được 250 kg một cân chè khô. Hiện nay, bán được 360 nghìn đồng. Sản phẩm trà Phú Lâm trước đây bán trước đây bán 120 nghìn đồng/1 cân chè khô hiện nay bán 250 nghìn đồng và được khách hành ưa chuộng... Hợp tác xã đã tạo thu nhập ổn định cho gần 30 lao động thu hái và sao chè trong thời vụ sản xuất chè với thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng.

Nông dân tham gia sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi đúng đắn nhằm đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Yên Sơn nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung. Việc áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn đã thực sự giúp người dân thay đổi hình thức canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, là cơ hội để người dân phát triển kinh tế bền vững./.

Hà Thu/CC Trồng trọt và BVTV

Tin cùng chuyên mục