,

Nông thôn mới

Tiếp sức phong trào xây dựng nông thôn mới

Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước đã đạt được những thành tựu “to lớn, toàn diện”, trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội. Thành công của phong trào có một phần đóng góp không nhỏ của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp trong việc chuyển tải thông tin, cũng như tham mưu cho chính quyền địa phương những cách làm hay, sáng tạo...

Mô hình trồng dâu tây của người dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chỉ tính riêng năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) trung ương đã làm tốt công tác tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành hàng loạt văn bản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, góp phần hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động thực hiện.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối NTM trung ương Ngô Trường Sơn, trong năm qua, đơn vị đã tham gia, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành 71 văn bản để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Sát cánh cùng chính quyền, người dân trong xây dựng NTM là thế mạnh của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh. Được kiện toàn qua từng giai đoạn, có tổng kết đánh giá, trở thành cơ quan ngang sở, có trụ sở riêng, với chức năng được quy định rõ, vừa tham mưu quản lý, điều phối cho Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM, vừa tham mưu chức năng quản lý nhà nước cho UBND tỉnh. Đích thân đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là thủ trưởng của hai cơ quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh).

Ở cấp huyện thành lập Văn phòng Điều phối NTM trực thuộc UBND huyện do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chánh Văn phòng. Sau khi được kiện toàn, công tác tham mưu, điều phối thực hiện chương trình đã có hiệu quả rõ rệt. NTM Hà Tĩnh đạt kết quả toàn diện, vững chắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương phát huy tốt vai trò nòng cốt của Văn phòng Điều phối NTM, thì tại nhiều tỉnh, thành phố, văn phòng vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Tại tỉnh Sơn La, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đang thực hiện theo mô hình tương đương đơn vị cấp II, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thiếu cán bộ chuyên trách dẫn đến công tác tham mưu, điều phối, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh còn hạn chế, đôi khi chưa kịp thời do phải thực hiện qua nhiều bước trung gian.

Tại tỉnh Bình Phước, do không xác định rõ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh hay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là đơn vị quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp nên không được giao biên chế mà là nhân sự hoạt động theo chế độ chuyên trách làm việc tại Văn phòng Điều phối NTM tỉnh. Ở cấp huyện cũng chỉ có một cán bộ chuyên trách, có huyện việc tham mưu xây dựng NTM là kiêm nhiệm nên tiến độ và chất lượng tham mưu thường không tốt, không kịp thời. Ở cấp xã do bị hạn chế về định mức số lượng công chức xã nên rất ít xã bố trí được một cán bộ chuyên trách xây dựng phong trào NTM.

Do đó, để Văn phòng Điều phối NTM hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới, các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, nên chăng cần tổ chức lại hệ thống Văn phòng Điều phối NTM theo ngành dọc, đồng thời là một cơ quan độc lập, có biên chế chuyên trách để tạo thuận lợi, hiệu quả cao trong thực hiện xây dựng NTM.

Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể, thống nhất giữa các địa phương, rõ cả về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động (làm việc theo cơ chế phòng) để bảo đảm đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM trong giai đoạn tới và khuyến khích, tạo điều kiện phấn đấu cho cán bộ; tạo sự thống nhất, hiệu quả tốt trong hoạt động văn phòng các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Xuân Hùng, để xây dựng thành công NTM, địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, xây dựng và triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số hướng tới xã NTM thông minh trong xây dựng NTM theo hướng phát triển thế mạnh, đặc thù của từng địa phương...

Đối với tỉnh Thanh Hóa, địa phương đã chọn phát triển các sản phẩm nông nghiệp của từng vùng, miền để tạo ra các sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao mang đậm bản sắc văn hóa. Đến nay, tỉnh đã có 317 sản phẩm OCOP tại 193 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố, của 226 chủ thể.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường chia sẻ, tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch cho cán bộ địa phương và tổ chức cho các địa phương tham quan, học tập các mô hình hay, hiệu quả trong và ngoài nước. Tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo và thí điểm các mô hình, dự án, đề án điểm như: mô hình chuyển đổi số, thí điểm các trung tâm sáng tạo phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sản phẩm OCOP, các mô hình phát triển du lịch nông thôn...

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tạo việc làm ổn định cho người dân xã Nga An, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: HÀ PHƯƠNG)

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục