,

Trong ngành

Để hợp tác xã nông nghiệp trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn

Để tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong nền kinh tế nói chung, kinh tế nông thôn nói riêng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tập trung vào nhiều giải pháp như xây dựng cơ chế, chính sách đất đai, nguồn vốn, con người… là những việc cấp bách và cần được triển khai đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương.


Đóng gói xoài xuất khẩu sang Trung Quốc tại Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Qua thực tiễn, các HTX nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về KTTT; có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho KTTT…

Nhận diện những khó khăn, thách thức

Số liệu từ Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, cả nước hiện có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX; 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất; hơn 4.339 HTX nông nghiệp bao tiêu nông sản. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực KTTT, HTX nông nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm với tiềm năng hiện có.

Từ thực tiễn điều hành hoạt động của HTX tại địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh cho biết, những năm trước đây, để chạy đua với tiêu chí nông thôn mới, vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nên không ít HTX trong tỉnh được thành lập ồ ạt, hoạt động không thực chất. Năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh giải thể 416 HTX hoạt động theo kiểu “hữu danh, vô thực”. Đến thời điểm hiện tại, hoạt động của loại hình HTX ở Hà Tĩnh còn gặp không ít khó khăn do quy mô nhỏ, chất lượng hoạt động còn thấp. Bên cạnh đó là lĩnh vực hoạt động hạn chế, chủ yếu tập trung vào một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh sản phẩm kém; lúng túng trong định hướng, xây dựng kế hoạch do năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu cho nên việc thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ theo quy định còn chưa được chú trọng. Chưa kể không ít địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc đổi mới hình thức kinh tế này…

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La, Lê Tiến Lợi chia sẻ, cơ sở vật chất lạc hậu, quy mô nhỏ, trình độ năng lực của phần đông đội ngũ cán bộ quản lý HTX trên toàn tỉnh Sơn La chưa đáp ứng được yêu cầu, đã trở thành thách thức và tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX. Đồng thời, năng lực nhiều HTX còn yếu, phần lớn HTX có cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, máy móc thiết bị cũ, trình độ công nghệ lạc hậu, sản xuất thủ công cho nên còn gặp khó khăn về xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa. Nhiều HTX chưa có trụ sở hoạt động, phải mượn nhà của cán bộ HTX, thiếu khu nhà xưởng, nhà kho… Chưa kể, tốc độ tăng trưởng chậm, chưa phát huy được tiềm năng của KTTT, HTX; mô hình HTX kiểu mới thành công trên toàn tỉnh còn thấp, dẫn đến một bộ phận xã viên, người dân chưa thật tin tưởng, cuốn hút bởi mô hình HTX kiểu mới.

Ghi nhận tại tỉnh Bến Tre, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Huỳnh Quang Đức cho biết: “Hoạt động HTX hiện còn nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, vốn; phần lớn thành viên xuất phát từ nông dân cho nên khả năng điều hành, sản xuất, kinh doanh hạn chế… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường nâng cao trình độ đội ngũ ban quản trị HTX bằng việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn; khuyến khích HTX liên kết với các doanh nghiệp, HTX khác để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đồng thời ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để từ đó kết nối xây dựng chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên HTX.

Những khó khăn nội tại của KTTT, HTX nông nghiệp nêu trên đã và đang trở thành thách thức cho sự phát triển của KTTT, HTX trong thời kỳ mới.

Linh hoạt, thích ứng và chủ động

Theo TS Đặng Kim Sơn, một trong những đột phá để KTTT phát triển bền vững chính là đổi mới tư duy để nhìn nhận vai trò thật sự quan trọng của KTTT nhất là từ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, cán bộ quản lý phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, được đào tạo bài bản, có tư tưởng chính trị vững vàng.

Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Lê Đức Thịnh cho biết, để KTTT phát triển bền vững, hiện cục đang tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ nghị quyết về quản lý, xây dựng cơ chế chính sách để phát triển KTTT, HTX. Đó là chính sách về đất đai để HTX xây dựng kho bãi, nhà xưởng; ưu đãi cơ chế tín dụng để HTX vay vốn; chính sách thuế cần linh hoạt để khuyến khích HTX tăng liên kết với thành viên trong thu mua, xúc tiến thương mại theo phương thức online; chính sách phát triển hạ tầng phục vụ sơ chế, lưu trữ nông sản: Sân phơi, nhà xưởng… giúp HTX tham gia vào chuỗi giá trị nông sản. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tham mưu xây dựng, triển khai chương trình đưa lao động trẻ tham gia vào HTX nông nghiệp, thông qua việc phối hợp các trường nghề, trường chính trị đào tạo theo đơn đặt hàng của địa phương. Bộ cũng tổ chức đẩy mạnh truyền thông để người dân thấy được vai trò quan trọng của HTX với sự phát triển kinh tế nông thôn.

Để tạo ra những đột phá quan trọng cho KTTT, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, chúng ta cần phải học hỏi, “nhập khẩu” những mô hình hiện đại, hiệu quả kinh tế cao của Israel, Nhật Bản... có điều chỉnh cần thiết cho phù hợp; tranh thủ hợp tác quốc tế để hỗ trợ công nghệ, kinh nghiệm, đầu ra, đầu vào; xây dựng thương hiệu cho các HTX cũng như các sản phẩm của họ. Hiện chúng ta đang có những sản phẩm rất mạnh xuất khẩu đứng đầu thế giới, HTX có thể tận dụng cơ hội xây dựng thương hiệu những sản phẩm phù hợp để sản xuất, xuất khẩu theo hướng của doanh nghiệp.

Trước mắt, ngành nông nghiệp đã thành công với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), khơi thông nguồn lực nội tại của các HTX tại mỗi địa phương. Từ OCOP, hàng loạt chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ra đời không những đã góp phần giảm tình trạng “được mùa, mất giá”, mà còn hiện thực hóa “giấc mơ làm giàu” của người nông dân. Hộ nông dân không thể tự ổn định thị trường tiêu thụ nếu không có HTX và HTX cũng không thể tự tạo ra thị trường nếu không có doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất cũng như không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, phát triển KTTT chính là một bước quan trọng để kinh tế hộ gia đình nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung phát triển. Đã đến lúc, không thể làm kinh tế, phát triển KTTT bằng kinh nghiệm mà thay vào đó là những sáng kiến mới, học hỏi và vận dụng linh hoạt những mô hình hay, hiệu quả trong nước và thế giới một cách phù hợp đặc thù nông nghiệp Việt Nam.

------------------------------

Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Đến năm 2045, phấn đấu thu hút ít nhất 20% dân số tham gia các tổ chức KTTT; mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức KTTT, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới; bảo đảm hơn 90% số tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.

Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục