,

Thị trường nông sản

Xây dựng OCOP gắn với câu chuyện sản phẩm

Sau 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh ta hiện có 128 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao. Chương trình đã từng bước tạo dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường, các chủ thể phải chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Và cách để làm được điều này dễ dàng, hiệu quả nhất chính là xây dựng OCOP gắn với câu chuyện sản phẩm.

Câu chuyện sản phẩm là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người tiêu dùng nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, có thể tạo nên thương hiệu của sản phẩm. Nó mang giá trị vô hình nhưng có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của người tiêu dùng, thay đổi hành vi của khách hàng. Từng câu chuyện OCOP chứa đựng niềm tự hào, dấu ấn, giá trị truyền thống của mỗi vùng đất.

Năm 2021, người trồng chè ở Làng nghề chè thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) đón nhận niềm vui khi sản phẩm chè Thanh Trà tham gia đánh giá sản phẩm OCOP và đạt chuẩn 3 sao. Để viết nên câu chuyện sản phẩm ý nghĩa, ông Phạm Văn Minh,  Tổ trưởng Tổ hợp tác chè thôn Cảy đã khéo léo kể lại câu chuyện về hành trình sản xuất chè độc đáo của riêng mình, chinh phục khách du lịch khắp mọi miền đất nước.

Câu chuyện sản phẩm chè Thanh Trà của ông Phạm Văn Minh (bên phải) gây ấn tượng với khách hàng.

Ông Minh cho biết, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề chè nên từ nhỏ, ông Minh đã đam mê với cây chè. Nhận thấy được sức hút của chè ở địa phương nên ông đã đầu tư công sức tìm tòi, học hỏi bí quyết tạo nên hương vị chè thơm ngon. Để làm nên hương vị đặc trưng chè Thanh Trà, từ việc cải tạo giống, khâu chăm sóc, thu hái, chế biến... đều phải tuân thủ theo quy trình VietGAP nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm được đầu tư thiết kế với hình ảnh độc đáo, mang nét văn hóa đặc trưng của Minh Thanh đã thu hút khách du lịch tìm đến thưởng thức và mua về làm quà tặng người thân, bạn bè. Qua bao thăng trầm, chè Thanh Trà của Làng nghề chè thôn Cảy đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. 

Phúc Ninh là quê hương của đặc sản bưởi nổi tiếng thơm ngon. Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Với diện tích trên 1.000 ha cho quả, bình quân mỗi năm người trồng bưởi Phúc Ninh thu về trên 30 tỷ đồng. Để có được kết quả ấy là nỗ lực của bà con nông dân trong phát triển giống cây con đặc sản và sự đồng hành, hỗ trợ hết sức tích cực của cấp ủy, chính quyền, trong việc tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu gắn với câu chuyện khởi đầu cảm xúc.

Ông Nguyễn Bách Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Ninh chia sẻ, ông lấy ý tưởng từ câu chuyện của chính bà con thôn Khuân Thống. Người dân nơi đây nhiều năm gắn bó với cây bưởi, xót xa khi chứng kiến cảnh nông sản mỗi vụ thu hoạch được mùa mất giá, bị thương lái ép giá phải mang bưởi bán tháo. Với mong muốn làm chủ sản phẩm mình làm ra, cùng bà con địa phương đưa quả bưởi trở thành nông sản có giá trị trên thị trường, năm 2014, ông đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Ninh và hợp tác với 200 hộ nông dân, liên kết từ khâu trồng đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm. Câu chuyện ông Hải viết ra đã được Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá rất cao về mặt nội dung cũng như thông điệp muốn truyền tải.

Chè Thanh Trà là 1 trong 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh năm 2021.

Đến nay, toàn tỉnh có 128 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 33 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022, tỉnh phấn đấu phát triển mới 51 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; nâng hạng sao cho 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; củng cố, nâng cao chất lượng cho sản phẩm đã được công nhận để khẳng định thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn nữa, nâng cao thu nhập các thành viên chủ thể sản phẩm.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều giải pháp triển khai Chương trình OCOP. Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Thời gian tới, để giúp chủ thể tham gia Chương trình OCOP sáng tạo ra những câu chuyện sản phẩm có ý nghĩa, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng; mở các lớp tập huấn, xây dựng bộ bài giảng cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm sản phẩm. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên, tôn vinh các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện bản sắc địa phương.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục