,

Thương hiệu nông sản

Giữ vững thương hiệu vàng

Giáp Tết Nguyên đán, về Hàm Yên có lẽ là thời điểm đẹp nhất trong năm khi tận mắt được chiêm ngưỡng những vườn cam sành bắt đầu trĩu vàng, chín mọng trên cành. Nhiều năm qua, cây có múi dần trở nên bão hòa, nhất là cây cam trở thành cây trồng chủ lực của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì cam Hàm Yên vẫn giữ vững được thương hiệu. Đó là nhờ hướng đi bền vững từ phát triển nâng cao chất lượng, mục tiêu sản xuất sạch - sản phẩm ngon.

Cam sành Organic “made in Hàm Yên”

Gia đình chị Lê Thị Chuyên, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) tham gia mô hình trồng cam hữu cơ từ đầu năm 2018, với diện tích gần 5 ha. Chị Chuyên chia sẻ, chị không còn sử dụng các loại phân vô cơ bón cho vườn cam của gia đình. Thay vào đó, chị sử dụng phân chuồng ủ hoai với chế phẩm vi sinh có ưu điểm bổ sung chất hữu cơ, tăng chất mùn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Quả cam phát triển đều, chất lượng quả thơm, ngọt và đậm đà hơn so với cam thông thường, nên mặc dù sản lượng thấp hơn nhưng được các doanh nghiệp đặt mua tại vườn ổn định 20 -25 nghìn đồng/kg, sức khỏe người trồng cũng được đảm bảo tuyệt đối, nên gia đình yên tâm sản xuất theo hướng này từ nhiều năm nay. 

Anh Hoàng Đức Hùng, trưởng liên nhóm sản xuất cam sành Organic Hàm Yên chia sẻ, toàn huyện có 24,2 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn tập trung tại xã Tân Thành, thị trấn Tân Yên và Nhân Mục. Cam Organic dù mẫu mã không bắt mắt nhưng chất lượng, độ an toàn thì hơn hẳn. Độ đậm, ngọt của cam Organic cao hơn, thời gian bảo quản kéo dài hơn cam sản xuất thông thường từ 20 - 30 ngày.

Mùa cam Hàm Yên.

Cùng với cam hữu cơ, cam VietGAP hiện cũng đang dần mở rộng diện tích ở vùng cam Hàm Yên. Xã Phù Lưu được coi là “rốn cam” của huyện với hơn 2.400 ha, trong đó có hơn 130 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Gia đình ông Nông Văn Nghiệp, thôn Mường là một trong những hộ tiên phong trồng cam VietGAP ở Phù Lưu, với hơn 5 ha.

Ông Nghiệp là Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Phong Lưu - một trong những hợp tác xã bao tiêu cam sành đầu tiên của huyện Hàm Yên. Sau nhiều năm đưa sản phẩm cam Hàm Yên tham gia các hội chợ, tìm kiếm thị trường vào các siêu thị lớn, nhỏ, ông Nghiệp nhận thấy, nhu cầu sử dụng cam sạch của người tiêu dùng các thành phố lớn rất cao. Ngoài diện tích cam của gia đình, ông cũng vận động các thành viên trong hợp tác xã cùng tham gia. Hợp tác xã hiện có 10 ha cam được cấp chứng nhận VietGAP.

Phát triển theo hướng bền vững    

Huyện Hàm Yên hiện có 7.270 ha cam, trong đó có hơn 700 ha cam trồng theo quy trình VietGAP và khoảng 30 ha cam trồng theo quy trình hữu cơ. Tổng sản lượng cam năm 2020 ước đạt 85.000 tấn. Sản phẩm cam hữu cơ của Hàm Yên được bán với giá 25.000 đồng/kg cam, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có giá trên 10.000 đồng/kg, trong khi đó canh tác đại trà có giá bình quân từ 4.000 - 6.000 đồng/kg.

Hiện nay cam sành Hàm Yên đã được tiêu thụ hầu hết ở các tỉnh, thành phố phía Bắc và vươn tới miền Trung, miền Nam. Sản 
phẩm cũng đã xuất hiện ở các hệ thống bán lẻ nổi tiếng như BigC, Vinmart, Co.opmart... Đặc biệt, cam sành Hàm Yên là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ký quyết định chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. 

Anh Hoàng Đức Hùng, trưởng liên nhóm sản xuất cam sành Organic Hàm Yên chia sẻ, sản xuất sạch, an toàn thì không lo đầu ra. Toàn huyện có 24,2 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn tập trung tại xã Tân Thành, thị trấn Tân Yên và Nhân Mục. Cam được đánh giá có độ đậm, ngọt của cam Organic cao hơn cam sản xuất theo truyền thống, thời gian bảo quản kéo dài hơn cam sản xuất thông thường từ 20 -30 ngày. Vì vậy mà loại cam này được độc quyền phân phối tại 3 chuỗi siêu thị nông sản sạch có tiếng ở Sài Gòn, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Hà Nội. Vụ cam vừa qua, trung bình mỗi ngày liên nhóm cung ứng 1,5 - 1,7 tấn cam với giá từ 25 -27 nghìn đồng/kg. Số lượng này cũng chỉ đáp ứng được 1 phần theo đơn của các bạn hàng.

Năm nay, người trồng cam gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc vận chuyển, tiêu thụ vào thị trường phía Nam gặp nhiều khó khăn. UBND huyện Hàm Yên yêu cầu Công ty Cam sành Hàm Yên, các hợp tác xã dịch vụ mở rộng thị trường tiêu thụ cam về các chợ đầu mối, siêu thị tại các thành phố lớn. Huyện cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube để kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ cam sành...

Mới đây, Hội Cam sành huyện Hàm Yên đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam sành Hàm Yên năm 2021 với Bưu điện tỉnh Tuyên Quang, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood. 
Để cây cam phát triển bền vững, huyện Hàm Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng cho người trồng cam thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP) và sản xuất hữu cơ. Cam sành Hàm Yên đã có mặt ở khắp các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, giá trị được nâng cao, xứng danh và vươn tầm ra thế giới khi đã 2 lần lọt vào Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục