,

Cải cách hành chính

Sự cộng hưởng từ niềm tin của nhân dân

Năm 2020, Tuyên Quang đã có sự bứt phá trên bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Từ vị trí thứ 42/63 năm 2019 Tuyên Quang đã vươn lên vị trí thứ 12/63 trong bảng xếp hạng và thuộc vào nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất với 44,40/80 điểm, tăng 1,43 điểm so với năm 2019. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh nhằm xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Cán bộ phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người dân thực hiện TTHC.

Bảng xếp hạng Chỉ số PAPI năm 2020 tỉnh Tuyên Quang có 18/29 chỉ số nội dung thành phần được đánh giá trong nhóm các tỉnh đạt điểm cao nhất cả nước. Với kết quả đó có thể khẳng định trong thời gian qua, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng cảm nhận được những thay đổi tích cực trong cách thức tiếp cận, cung ứng các dịch vụ công của chính quyền các cấp tỉnh. Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động”, Tuyên Quang đã thực sự đặt người dân làm chủ thể để cải cách hành chính. Những “rào cản” từ sự chưa hài lòng của người dân về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp từng bước được gỡ bỏ. Đó cũng là giải pháp quan trọng để các cấp chính quyền trong tỉnh nâng cao niềm tin và sự hài lòng của nhân dân.

Từ góc nhìn về Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,31 điểm, xếp vào nhóm đạt điểm cao nhất) cho thấy có sự chuyển biến mạnh mẽ việc thực hiện dân chủ ở cơ sở về các nội dung, vấn đề mà người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, để nhân dân nói lên nguyện vọng, phản ánh kiến nghị, tham gia đóng góp ý kiến vào chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương. Trước khi ban hành các cơ chế, chính sách, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc, quyết định về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, hưởng ứng các phong trào. Thông qua đó, ý thức làm chủ của người dân được thể hiện tốt hơn. Người dân tích cực tham gia vào các phong trào, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như: Xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh; vệ sinh môi trường...

Giải quyết TTHC cho doanh nghiệp tại Bộ phận “Một cửa” Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Với Chỉ số thủ tục hành chính công đạt 7,64 điểm xếp vào nhóm đạt điểm cao nhất đã khẳng định công tác CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC đã được các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm thời gian giải quyết TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực có liên quan đến người dân và doanh nghiệp như thuế, kho bạc, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện năng... Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết TTHC bình quân trên 30%, trong đó, một số lĩnh vực giảm từ 50% đến 83% thời gian giải quyết so với quy định. Toàn tỉnh hiện có 100% xã, phường, thị trấn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa” liên thông. Trình độ nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ phụ trách các lĩnh vực ở Bộ phận “Một cửa” ngày càng được nâng cao. Với những nỗ lực trong công tác cải cách TTHC đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận của người dân mỗi khi tới cơ quan công quyền thực hiện giải quyết TTHC.

Tuyên Quang cũng có sự bứt phá vươn lên trong xây dựng nền hành chính hiện đại được thể hiện qua Chỉ số quản trị điện tử xếp vào nhóm đạt điểm cao nhất. Đây là thành quả trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến người dân biết và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin các cơ quan, đơn vị; tăng số lượng, tỷ lệ người dân khai thác thông tin hành chính; đẩy mạnh thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4, nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công.

Từ những kết quả đánh giá của bộ chỉ số PAPI của tỉnh cũng cho thấy, việc tạo niềm tin cho người dân mấu chốt phải từ yếu tố con người; trong đó đội ngũ CB, CC, VC từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh phải gần dân, sát dân, trọng dân. Vì vậy, tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ, hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ CB, CC, VC, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện đổi mới, sáng tạo, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Sự bứt phá trong bảng xếp hạng Chỉ số PAPI là cộng hưởng niềm tin của nhân dân trước tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, đội ngũ CB, CC, VC, của sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị tỉnh.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục