,

PCLB - GNTT

Chủ tịch Hồ Chí Minh và công việc phòng lụt, giữ đê

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Và đặc biệt hơn, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Tuy nhiên, Người cũng nói, nước có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại. Bởi, nhiều nước quá thì úng lụt, mà ít nước quá thì hạn hán” .

Vì vậy, làm cho đất và nước điều hoà với nhau để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ quan trọng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi chính quyền non trẻ vừa ra đời chưa được bao lâu, với bộn bề công việc, khó khăn không kể xiết, chỉ 10 ngày sau khi thành lập chính phủ lâm thời, ngày 10/01/1946 Bác Hồ đã đi kiểm tra công việc đắp đê chống lụt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm kè bảo vệ ở sông Đà ở Cổ Đô, huyện Bà Vì, tỉnh Hà Tây (nay Hà Nội), ngày 8/7/1958.

Người về Hưng Yên đến thăm việc hàn quãng đê vỡ ở Hưng Nhân, Người về thăm và kiểm tra việc đắp đê ở tỉnh Thái Bình, nơi có tiếng hay bị lụt lội. Người khen ngợi tinh thần cố gắng làm việc của bà con dân công, biểu dương sự hảo tâm góp của góp sức của các nhà giàu, của các vị thân hào trong việc đắp đê. Người căn dặn: “Bây giờ nước ta độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ, mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm đê, đề phòng những lạm dụng có thể xảy ra”.Và hơn 10 ngày sau, ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê ở Bắc Bộ (Tổ chức tiền thân của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ngày nay).

Cũng kể từ đó đến khi Người qua đời gần như tất cả các năm khi mùa mưa lũ sắp đến, Người đều gửi điện hoặc viết thư nhắc nhở cán bộ, nhân dân các tỉnh có đê và toàn dân ta nói chung phải cảnh giác giữ đê, tích cực đắp đê để phòng lụt lội. Người dạy rằng: “Công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và vì lợi ích của mọi người dân”.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các tỉnh có đê, tháng 5/1945 (Ảnh hiện vật BTLSQG)

Trong bức thư “Gửi đồng bào các tỉnh có đê” được viết tháng 5/1945, Người nói: “Mấy năm liền ta đã tránh được nạn lụt, do đó mà tránh khỏi nạn đói”. Người cũng lập luận một cách lôgic: Không bị lụt lội thì không bị mất mùa. Được mùa thì dân no. Dân có no thì mới đánh thắng giặc ngoại xâm được. Người quan niệm: Giặc đói, giặc lụt cũng nguy hiểm như giặc ngoại xâm.

Tháng 6-1947, trong thư gửi đồng bào trung du và hạ lưu chống lụt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Người ta thường nói "thuỷ, hoả, đạo, tặc". Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm”. Đồng thời, khẳng định rằng: “Muốn chống đói thì phải chống lụt. Muốn chống lụt, thì phải kịp thời đắp đê, giữ đê”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu các cấp khu, tỉnh phải chuẩn bị kế hoạch thật đầy đủ, phải động viên nhân dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân không được chủ quan trong việc phòng chống lụt bão.

Trong bức thư “Gửi đồng bào huyện Quỳnh Côi”- Thái Bình, tháng 8/1949, Người đã nêu ra một phép tính thật đơn giản để cho mọi người thấy được những cái lợi và hại trong việc giữ đê. “Đê ấy đã bảo vệ được non 400 gia đình và hơn 700 mẫu ruộng. Tính đổ đồng thì đê giữ gìn an toàn một gia đình và gần hai mẫu ruộng, chỉ tốn chừng 4.400 đồng bạc. mà một mùa thu hoạch đã bù lại số tiền dùng để đắp đê. Thế là có lợi”. Người cũng nhắc nhở lãnh đạo các cấp một ý rất sâu sắc được phát triển từ ý “lấy dân làm gốc”: “Đưa tiền của dân và sức của dân để làm việc ích lợi cho dân, thì bao giờ dân cũng hăng hái, việc cũ ng thành công”.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào huyện Quỳnh Côi, tháng 8/1949 (Ảnh hiện vật BTLSQG)

Không những gửi điện, viết thư và nhắc nhở thường xuyên mà hằng năm, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, mặc dù bận trăm công nghìn việc, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra đê điều, động viên công việc đắp đê phòng chống lũ lụt, nhất là trong những ngày lũ to, nước lớn, ở những vùng đê xung yếu, những địa phương làm tốt và cả những địa phương làm chưa tốt.

Ngày 17/7/1962, nói chuyện với cán bộ và nhân dân trên đường đi kiểm tra đê ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ và đồng bào không được chủ quan trong việc phòng và chống lụt bão”. Bài báo này của Người được báo Nhân dân, số 3038, ngày 19/7/1962 đăng. Trong bài báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên: T.L.

Tháng 8 năm 1969, trên các triền đê sông ở miền Bắc đã xảy ra một trận lũ rất lớn, mặc dù đang lâm bệnh nặng, Bác còn gọi đồng chí Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tân đến báo cáo tình hình và ân cần dặn dò, chỉ bảo động viên tổ chức giữ đê, bảo vệ dân, vượt lũ thắng lợi.

Những năm gần đây, ở nước ta, thiên tai đã gây nhiều tổn thất nặng nề về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, việc tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đang là vấn đề cấp bách đối với các cấp, các ngành, từ Trung Ương đến địa phương, nhằm bảo vệ tính mạng người dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Mùa mưa bão lại đến, nhớ lại sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công việc giữ đê, phòng lụt chúng ta không khỏi xúc động và đều ghi nhớ những lời Người căn dặn. “Phòng lụt, chống lụt là như một chiến dịch lớn, trên mặt trận dài, trong một thời gian khá lâu, toàn thể đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm, vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ đắp đê và giữ đê, phòng lụt và chống lụt”.

Trịnh Thị Hồng Thanh (Phòng QLHV)

Bảo tàng LS quốc gia

Tin cùng chuyên mục