,

Phổ biến GDPL

Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025

Ngày 16/7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII đi vào cuộc sống. Đồng thời, với mục đích ban hành một chính sách mang tính chất tương đối tổng thể, bao quát đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện và tiếp cận chính sách của các đối tượng thụ hưởng; Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết gồm có 03 chương, 16 điều, 02 mục và 21 nội dung hỗ trợ, trong đó có 13 nội dung kế thừa từ một số chính sách hiện hành và 08 nội dung đề xuất mới. Một số điểm mới của chính sách, đó là:

+ Nâng mức cho vay có hỗ trợ lãi suất: Đối với chủ trang trại từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chăn nuôi cá đặc sản, cá chủ lực từ 850 triệu đồng lên 1 tỷ đồng; cá nhân chăn nuôi trâu, bò sinh sản từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới nâng từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng.

+ Các nội dung chính sách mới: Hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; hỗ trợ ghép cải tạo giống cây ăn quả và hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để làm giàu rừng tự nhiên sản xuất; hỗ trợ về tư vấn cho chủ thể sản phẩm, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, hỗ trợ cho chủ thể sản phẩm thực hiện Chương trình OCOP; hỗ trợ vườn mẫu nông thôn và thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nội dung 21 chính sách hỗ trợ cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, sản phẩm OCOP. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất theo thực tế nhưng tối đa không quá 5,0 tỷ đồng/hợp tác xã. Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 18 tháng đối với hợp tác xã vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng hàng năm, chăn nuôi lợn, gia cầm; không quá 36 tháng đối với hợp tác xã vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng lâu năm, cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, thủy sản và phát triển sản phẩm OCOP đã có quyết định công nhận phân hạng đạt từ 3 sao trở lên.

2. Hỗ trợ chủ trang trại: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho chủ trang trại vay vốn để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Mỗi chủ trang trại được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 1,0 tỷ đồng/trang trại. Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 18 tháng đối với trang trại vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng hàng năm, chăn nuôi lợn, gia cầm; không quá 36 tháng đối với trang trại vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng lâu năm, cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, thủy sản.

3. Hỗ trợ nuôi cá đặc sản, cá chủ lực: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn nuôi cá đặc sản, cá chủ lực. Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 1,0 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

 4. Hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò sinh sản: Hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay đối với cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 50% lãi suất tiền vay đối với cá nhân thuộc hộ khác (trừ trang trại) vay vốn mua trâu, bò nuôi sinh sản. Mỗi cá nhân được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 35,0 triệu đồng/con trâu cái sinh sản; 25,0 triệu đồng/con bò cái sinh sản. Tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 100,0 triệu đồng/cá nhân; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

5. Hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn (kéo dài tuổi rừng lên trên 10 năm). Mỗi diện tích rừng thực hiện chuyển hoá, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất tiền vay 01 lần/đơn vị diện tích đó. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 70,0 triệu đồng/ha; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

6. Hỗ trợ 01 lần chi phí cho các tổ chức, cá nhân thực hiện ghép cải tạo vườn cây ăn quả. Định mức hỗ trợ 50.000 đồng/cây.

7. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân (trừ doanh nghiệp) thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò. Định mức hỗ trợ: 200.000 đồng/con bê, nghé.

8. Hỗ trợ 01 lần 50% kinh phí mua lợn đực giống nội, lợn đực giống ngoại dùng để khai thác tinh cho hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao chất lượng giống lợn địa phương. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 25,0 triệu đồng/con, định mức hỗ trợ 01con/hợp tác xã, cá nhân.

9. Hỗ trợ cây giống lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân để trồng rừng tập trung, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất: Mức hỗ trợ: 100% cây giống trồng chính và chi phí vận chuyển cây giống đến trung tâm xã theo đơn giá được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao dự toán hàng năm; chi phí khảo sát, thiết kế, lập hợp đồng 50.000 đồng/ha và 10% chi quản lý trực tiếp (của chi phí cây giống và phí vận chuyển).

10. Chính sách hỗ trợ sản xuất nông sản xuất khẩu: Hỗ trợ 50% chi phí đầu tư thực tế nhưng tối đa không quá 1,0 tỷ đồng/dự án cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để đầu tư thực hiện dự án sản xuất nông sản xuất khẩu.

11. Chính sách hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước: Hỗ trợ 01 lần cho các tổ chức, cá nhân 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 40,0 triệu đồng/ha.

12. Hỗ trợ kinh phí xây dựng và quản lý nhãn hiệu; cấp mã số, mã vạch: Hỗ trợ 01 lần cho các tổ chức, cá nhân 100% kinh phí xây dựng và quản lý nhãn hiệu và cấp mã số, mã vạch cho sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 100,0 triệu đồng/sản phẩm và mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ thực hiện tối đa không quá 02 sản phẩm.

13. Hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn: Hỗ trợ 01 lần cho các tổ chức, cá nhân 80% kinh phí thực tế đánh giá và cấp giấy chứng nhận áp dụng quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc Quốc tế do một tổ chức chứng nhận phù hợp cấp theo quy định. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa 100,0 triệu đồng/sản phẩm đối với tiêu chuẩn trong nước; tối đa 300,0 triệu đồng/sản phẩm đối với tiêu chuẩn Quốc tế.

14. Hỗ trợ chi phí tư vấn Chương trình OCOP: Hỗ trợ chi phí tư vấn cho các chủ thể sản phẩm lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Định mức hỗ trợ 10,0 triệu đồng/sản phẩm.

15. Hỗ trợ điểm giới thiệu, bán các sản phẩm: Hỗ trợ 50% tổng chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản sản phẩm cho tổ chức thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP nhưng tối đa không quá 100,0 triệu đồng/điểm đối với trong tỉnh; không quá 200,0 triệu đồng/điểm đối với thành phố Hà Nội.

16. Hỗ trợ gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm: Hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân có gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, hội nghị, sự kiện ngoài tỉnh. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 20,0 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Đối với hội chợ, hội nghị, sự kiện tổ chức ở nước ngoài thực hiện hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định mức hỗ trợ tối đa không quá 03 lần/tổ chức, cá nhân.

17. Hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP: Hỗ trợ cho chủ thể có sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Cụ thể: Sản phẩm đạt 3 sao hỗ trợ 10,0 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm đạt 4 sao hỗ trợ 20,0 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm đạt 5 sao hỗ trợ 50,0 triệu đồng/sản phẩm. Đối với nâng hạng sao: Nâng hạng 3 sao lên hạng 4 sao hỗ trợ 10,0 triệu đồng/sản phẩm; nâng hạng 4 sao lên hạng 5 sao hỗ trợ 30,0 triệu đồng/sản phẩm; nâng hạng 3 sao lên hạng 5 sao hỗ trợ 40,0 triệu đồng/sản phẩm.

18. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới: Hỗ trợ 50,0 triệu đồng/hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản thành lập mới để mua máy vi tính và trang thiết bị văn phòng.

19. Chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông ngõ, xóm: Hỗ trợ 100% xi măng, ống cống (nếu có) và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô vận chuyển được để cứng hóa đường ngõ, xóm đảm bảo tỷ lệ đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao quy định.

20. Chính sách hỗ trợ xây dựng bể Biogas hoặc bể tự hoại: Hỗ trợ trực tiếp 01 lần bằng tiền cho hộ gia đình xây dựng mới bể Biogas hoặc bể tự hoại. Định mức hỗ trợ 5,0 triệu đồng/hộ.

21. Chính sách hỗ trợ cải tạo vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới’; xây dựng thôn đạt chuẩn” Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”: Hỗ trợ trực tiếp 01 lần bằng tiền. Mức hỗ trợ 10,0 triệu đồng/vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”; 20,0 triệu đồng/thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.

Nghị quyết này thay thế 06 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (gồm: Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014, Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014, Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017, Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019, Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2017, Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017) và bãi bỏ 03 Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh (gồm: Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012, Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 21/5/2014, Quyết định số 303/QĐ-CT ngày 24/7/2014). Nghị quyết có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/8/2021./.

Chi cục PTNT

Tin cùng chuyên mục