,

Quản lý rác thải nhựa

Triển khai mô hình về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải thành phân hữu cơ

Nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày ra môi trường. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương đang triển khai mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” tại xã Sơn Nam (Sơn Dương). Đây là một hoạt động rất cần thiết để giúp người dân có thói quen phân loại rác thải ngay tại gia đình, qua đó góp phần làm sạch môi trường.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã ký kết với anh Trần Văn Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hưng Thịnh, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam để xây dựng mô hình. Trung tâm đã cử cán bộ xuống tận hộ dân để theo dõi quá trình thực hiện, hướng dẫn cách thu gom phân loại rác thải; quy trình kỹ thuật xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh. Cụ thể, rác thải sinh hoạt của các hộ dân được thu gom riêng thành 3 loại: Rác thải hữu cơ, rác vô cơ và rác độc hại. Mỗi loại rác thải sẽ được chứa trong 1 thùng riêng biệt, rác thải vô cơ có thể tái chế hoặc thu gom tập trung tại điểm tập kết theo quy định, rác độc hại thu gom và xử lý theo quy trình riêng, rác thải hữu cơ được dùng để ủ thành phân bón tại hộ gia đình.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hướng dẫn sử dụng men vi sinh xử lý rác thải tại hộ anh Trần Văn Thịnh, xã Sơn Nam

Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được cho vào thùng ủ, khi rác đạt độ dày từ 20 - 30 cm thì dùng chế phẩm vi sinh pha với nước để tưới lên rác ủ. Chế phẩm vi sinh được sản xuất bằng quy trình công nghệ hiện đại, có tác dụng giảm thiểu mầm bệnh và làm giảm tối đa mùi hôi trong chất thải, phân hủy nhanh rác hữu cơ thành phân bón vi sinh. Sau 30 - 45 ngày, lượng rác trong thùng ủ sẽ tạo thành phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng.

Mô hình xử lý rác thải của gia đình anh Trần Văn Thịnh có tổng diện tích 90m2được chia làm 2 ngăn một ngăn nuôi giun và ngăn ủ phân bón. Ngoài ra, nhà anh có 2,5 ha trồng thanh long ruột đỏ, mỗi lần bón tốn từ 25 - 30 tấn phân chuồng, mỗi năm bón ít nhất 2 lần, chi phí trên 30 triệu đồng, dự kiến khi sử dụng phân bón hữu cơ từ rác thải sẽ tiết kiệm được 40% chi phí phân bón. Nếu mô hình được vận hành đi vào bài bản, mục tiêu hướng tới sẽ không phải sử dụng thêm phân bón mua bên ngoài sẽ tiết kiệm 100% chi phí phân bón cho cây thanh long. 

Mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” tại hộ gia đình được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, từ đó giúp người dân thay đổi hành vi vứt rác thải bừa bãi, sống thân thiện với môi trường./.

Hoàng Tuấn Anh – TTDVNN Sơn Dương

Tin cùng chuyên mục