,

Thương hiệu nông sản

Bài 2: Chuyện về vùng cam VietGAP

Để cây cam phát triển bền vững, huyện Hàm Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng cho người trồng cam thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP). cam VietGAP Hàm Yên đã có mặt ở khắp các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, giá trị được nâng lên, sức khỏe cộng đồng, môi trường sản xuất đảm bảo an toàn.
 
 

 


Cam VietGAP của tổ sản xuất cam Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) được bày bán
 tại Hội chợ Cam sành Hàm Yên lần thứ III.       Ảnh: Thu Hằng

Những người tiên phong

Hơn 20 năm trồng cam nhưng ông Lương Văn Nho, thôn 4, Thuốc Hạ, xã Tân Thành mới có 6 năm trồng cam VietGAP. Ông thấy vui khi là 1 trong 5 người đầu tiên trên đất Hàm Yên trồng cam VietGAP, làm cam theo tiêu chuẩn lâu nhất và cũng quy mô lớn nhất huyện với 4,5 ha nên biệt danh “Nho VietGAP” giờ đã trở thành “thương hiệu” của riêng ông. 

Năm 2013, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, ông Lương Văn Nho bắt tay vào trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Vạn sự khởi đầu nan, mọi người thậm chí là cả người thân trong gia đình đều cho ông là gàn dở. Bởi ở thời điểm đó người ta tranh thủ mở rộng diện tích, ông Nho lại bỏ công, bỏ của lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu cây gửi đi phân tích, xét nghiệm.

Gạt đi những dị nghị, ông Nho quyết đi đến cùng của quy trình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, giảm phân vô cơ, tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chế phẩm sinh học trong chăm bón và phòng trừ dịch hại nên cây cam khỏe mạnh, cho quả đều, chất lượng quả ngon hơn hẳn, tỷ lệ quả đạt loại A chiếm từ 50 - 55%. Mừng nhất là ngay từ vụ đầu tiên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cam của gia đình ông Nho đã được các siêu thị, cửa hàng rau, quả thực phẩm sạch tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đặt hàng tiêu thụ. Điều chưa từng có đối với những nhà vườn thời bấy giờ.

Dù mới áp dụng quy trình sản xuất cam theo hướng VietGAP được hơn 2 năm nhưng ông Lê Quý Đáng, thôn Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên lại nắm rất vững quy trình chăm sóc cam theo tiêu chuẩn này với nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng lúc, đúng cách); ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học… Thấy được cái lợi của làm cam VietGAP, ông Đáng đã tình nguyện làm “sứ giả” vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho 11 hộ trồng cam khác trong tổ sản xuất theo tiêu chuẩn chung. Để rồi sau 1 năm, tổ trồng cam VietGAP Đồng Bàng đã được thành lập, sản phẩm cam cũng đã được ngành Nông nghiệp tỉnh, cấp tem truy xuất nguồn gốc. 

Khẳng định giá trị “vàng”

Theo ông Lê Quý Đáng, Tổ trưởng tổ sản xuất cam sành VietGAP Đồng Bàng, cam VietGAP khẳng định giá trị vượt trội, giá bán tại vườn luôn cao hơn từ 20% - 30% so với cam sản xuất đại trà. Theo ông Đáng, chất lượng quả cam đã được nâng lên, 11/11 thành viên của tổ trồng cam VietGAP Đồng Bàng đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, gánh nặng cam sản xuất ra nhiều thì tìm đâu được thị trường tiêu thụ phần nào được  giảm bớt.

Cam sản xuất theo hướng VietGAP so với cam chăm sóc bình thường vỏ thường dày hơn, độ ngọt cao, để được lâu hơn. Hơn nữa cam VietGAP đã được ngành Nông nghiệp tỉnh chứng nhận an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt về đầu vào đối với sản phẩm nông nghiệp. Hiện Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên đang liên kết, hợp tác sản xuất với 13 tổ, nhóm sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất cam theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Hàm Yên. Riêng về tiêu thụ, bình quân mỗi ngày công ty ký kết cung ứng hàng chục tấn cam vào hệ thống các siêu thị Co.opMart, Fivimart, Metro, BigC... và một số chợ đầu mối tại thị trường miền Nam. Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức quy mô lớn liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cam VietGAP, cam hữu cơ như HTX dịch vụ Phong Lưu; tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP, xã Yên Phú, Tân Thành…

Trong 6 năm (từ năm 2013-2019) từ bước đi chập chững trong quy trình sản xuất cam theo quy chuẩn, huyện Hàm Yên đã xây dựng và hình thành được vùng cam tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với 350 ha, trong đó nhiều nhất là xã Tân Thành là 155 ha. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất nhỏ so với tổng diện tích cam sành trên 7.000 ha của huyện, nhưng phần nào minh chứng cho nỗ lực của huyện và người trồng cam Hàm Yên sản xuất theo tiêu chuẩn chung hướng đến sự an toàn và bền vững. Cam sành VietGAP Hàm Yên đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhất. 

Thông tin mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa thực hiện khảo sát vùng trồng cam Hàm Yên để đưa sản phẩm cam sành vào nhóm ngành hàng nông nghiệp mang tầm quốc gia. Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngành tiếp tục đồng hành với huyện Hàm Yên hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng cam để mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cam sành Hàm Yên, Hiệp hội hữu cơ Việt Nam đã phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hàm Yên triển khai Dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ (MOAP) trên một số cây trồng, trong đó có cây cam. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hưng, Hiệp hội hữu cơ Việt Nam khẳng định, năm 2018 vừa qua, Hiệp hội đã hỗ trợ 25 nhà vườn, chủ trang trại trồng cam trên địa bàn các xã Tân Thành, Phù Lưu và thị trấn Tân Yên điều tra và phân tích hệ sinh thái, sinh lý cây cam qua các giai đoạn sinh trưởng; kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán; kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ; các nguyên tắc quản lý sâu, bệnh, cỏ dại trong sản xuất hữu cơ cho trên 30 ha cam.

Theo lãnh đạo Trung tâm cây ăn quả Hàm Yên, cùng với cam VietGAP, cam sản xuất theo hướng hữu cơ đã chính thức có sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Ông Nguyễn Đăng Luân, tổ nhân dân Tân Yên, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) phấn khởi cho biết, cam sản xuất theo hướng hữu cơ quả mọng, ngọt sắc, bảo quản được lâu hơn cam sản xuất đại trà. Hiện cam sản xuất theo hướng hữu cơ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cam sản xuất theo hướng hữu cơ có giá bán tại vườn 13.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cam sản xuất đại trà.  

Theo những hộ trồng cam VietGAP, cam hữu cơ, bên cạnh kết quả đạt được, đâu đó giá cam VietGAP vẫn đang bị “hòa” vào sản phẩm cam sản xuất thông thường khiến cho niềm tin của người sản xuất và người tiêu dùng bị lung lay. Bảo toàn giá trị cam VietGAP, cam hữu cơ, cần sự vào cuộc của cả ngành chuyên môn, huyện và ngay cả mỗi người dân trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm để người trồng cam yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.           
 

Báo Tuyên Quang

                                                                                                                         

Tin cùng chuyên mục