,

Thương hiệu nông sản

Đa dạng hóa sản phẩm chủ lực

Ngày 31-12-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 841/QĐ-UBND ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh. Ngoài 5 sản phẩm chủ lực đã được ban hành trước là cam, chè, mía, trâu, cá đặc sản, tỉnh mở rộng thêm 4 sản phẩm: bưởi, lạc, gỗ rừng trồng và lợn, đảm bảo mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Những năm gần đây, cây lạc là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Chiêm Hóa. Các xã Phúc Sơn, Xuân Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ... thay vì 1 vụ màu, 1 vụ lúa, bà con đã thực hiện luân canh 2 lạc, 1 lúa (tức vụ đông, xuân trồng lạc, vụ mùa gieo cấy lúa). Toàn huyện có khoảng 3.000 ha đất canh tác lạc, giá trị kinh tế từ cây lạc mang lại hàng năm đạt trên 150 tỷ đồng.


Người dân thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) trồng lạc theo hướng hàng hóa.

Cánh đồng thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn 3 năm trở lại đây người dân đã duy trì ổn định vụ đông, vụ xuân trồng lạc, chỉ vụ mùa dành đất trồng lúa để ổn định lương thực. Ông Quan Văn Trường, thôn Bản Chỏn cho biết, 1kg lạc củ tươi giá bán tại ruộng từ 9 - 14 nghìn đồng, cao hơn 1 kg thóc phơi khô. Trung bình mỗi 1 sào lạc năng suất đạt khoảng 2,3 tạ, bà con thu được gần 3 triệu đồng mà không phải phơi, sấy bảo quản vất vả.

Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phúc Sơn cho rằng, lạc là mặt hàng nông sản bán chạy nhất hiện nay trên địa bàn. Theo ông Giải, vào vụ thu hoạch lạc, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng khoảng 100 tấn lạc tươi cho các thương lái xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. 

Cây gỗ rừng trồng đã trở thành "thỏi nam châm" hút người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến. Nếu trước đây tỉnh phải thực hiện chính sách giao nhận đất rừng thì nay bà con, doanh nghiệp đã tự bỏ vốn tích tụ đất rừng, đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung được 55 nghìn ha, vượt 4,8% mục tiêu đề ra, hiện diện tích đất rừng trồng gỗ nguyên liệu của tỉnh đạt gần 141 nghìn ha, chiếm khoảng 62,4% tổng diện tích đất lâm nghiệp; khai thác trên 4 triệu m3 gỗ rừng trồng, có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ, hộ gia đình tham gia chế biến gỗ rừng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Kinh tế rừng đang đóng góp 30% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ngoài lạc, gỗ rừng trồng, sản phẩm bưởi, lợn được bổ sung vào danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân và đóng góp vào giá trị kinh tế ngành. Theo ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mở rộng danh mục sản phẩm chủ lực bảo đảm đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh đã có 2 sản phẩm tham gia vào nhóm sản phẩm xuất khẩu chính ngạch bền vững gồm chè và gỗ rừng trồng; 7 sản phẩm còn lại đã khẳng định được vị trí trên thị trường trong nước. Ngoài mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm chủ lực, tỉnh cũng đánh giá tiềm năng, lợi thế từng loại hình cây, con có giá trị kinh tế, lợi thế từ đó có cơ chế, chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục