,

Thương hiệu nông sản

"Hạt ngọc" từ đất mẹ

Những cánh đồng lạc vụ đông xanh mát mắt trải dài dọc tuyến đường 2 xã Phúc Sơn, Minh Quang (Chiêm Hóa) là kết quả của việc thay đổi tập quán canh tác cũ. Từ việc chỉ trồng 1 vụ lạc xuân, 1 vụ lúa mùa, bà con đã chuyển sang trồng theo công thức lạc xuân - lúa mùa - lạc đông, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.
Giàu tiềm năng phát triển cây lạc

Huyện Chiêm Hóa có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây lạc. Tuy nhiên, do người dân mới chỉ tập trung trồng lạc vụ xuân, sản phẩm chủ yếu là lạc thương phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao; còn lạc vụ đông chưa được tổ chức triển khai nên việc chủ động giống lạc gieo trồng cho vụ xuân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân phát triển cây lạc vụ đông.

Góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chiêm Hóa lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương, trong đó có phát triển cây lạc.


Lãnh đạo huyện Chiêm Hóa và các đại biểu tham quan mô hình lạc đông tại gia đình ông Phùng Xuân Ngan, thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa).

Để đưa Nghị quyết vào thực tiễn, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển cây lạc. Đồng chí Ma Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, hàng năm, toàn huyện gieo trồng trên 2.600 ha lạc, sản lượng đạt trên 8.500 tấn. Huyện đã hình thành các vùng trồng lạc tập trung tại các xã như: Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ, Tân An, Yên Nguyên, Hòa Phú… Việc hình thành các vùng lạc tập trung sẽ góp phần duy trì diện tích gieo trồng lạc và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, huyện đã triển khai Đề án phát triển vùng lạc hàng hóa tập trung giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn. Đề án được triển khai thực hiện từ đầu năm 2017 tại 13 xã. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ người dân giải quyết các vấn đề về giống, kỹ thuật chăm sóc, nguồn vốn và tổ chức xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Người nông dân hưởng lợi

Theo chân cán bộ khuyến nông xã Phúc Sơn, tôi đến thăm nhà ông Quan Văn Trường, thôn Bản Chỏn là người đang có diện tích trồng lạc vụ đông nhiều nhất xã. Trong khoảng thời gian đợi ông Trường về, tôi được cô con dâu của ông  chia sẻ: “Bố chồng em yêu cây lạc lắm, một ngày nếu không phải đi công việc thì ông sẽ ra thăm đủ 3 buổi sáng, trưa, chiều tối. Mãi cũng thành quen, nhiều lúc bạn ông đến chơi còn ra ngoài ruộng lạc tìm trước nếu không có mới vào nhà…” Là câu chuyện vui, nhưng đủ để cho tôi cảm nhận được tình cảm của ông dành cho cây lạc sâu sắc đến thế nào. 

Về đến nhà, khi biết tôi đang tìm hiểu về cây lạc ở địa phương, ông Trường hồ hởi kiếm cho tôi cái nón rồi đưa tôi ra thăm ruộng ngay. Vừa đi ông vừa kể, cuộc đời ông đã có hơn 40 năm gắn bó với cây lạc, ông hiểu cây lạc còn hơn bản thân mình. Ngày trước, người dân ở đây chỉ gieo trồng 2 vụ lạc xuân và lúa mùa. Năng suất vụ lạc xuân đạt khoảng 6 tạ/1.000 m2, sau đó đất chuyển sang trồng lúa, hết vụ lúa đất thì để không mà người nông dân lại chơi dài. Thời ấy, khoa học kỹ thuật cũng chưa tiến bộ, chưa có các lớp hướng dẫn trồng cây và chưa có các chương trình hỗ trợ như bây giờ, ông và bà con trong vùng chỉ trồng và chăm sóc theo thói quen vì thế mà năng suất đạt được cũng không cao. Thế nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. 

Khu ruộng lạc vụ đông của ông với diện tích 3.000 m2 được trồng vào cuối tháng 9 đang thì xanh mướt mắt, chỉ vài ngày nữa lá sẽ bắt đầu héo và cho thu hoạch. Ông Trường nhổ vài cây lạc lên để giới thiệu với tôi. Giống lạc ông đang trồng là giống lạc L14 được Trung tâm đậu đỗ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phục tráng nguyên chủng, thích hợp với đất cát pha, thịt nhẹ dễ thoát nước, có khả năng chống sâu bệnh cao và sau khoảng 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Ông Trường hiện đang thực hiện gieo trồng hơn 1.000 m2 theo Dự án Xây dựng mô hình thâm canh lạc, áp dụng biện pháp che phủ ni lông, hỗ trợ xây dựng, củng cố hợp tác xã của Hội Nông dân tỉnh. Các hộ gia đình trồng theo dự án sẽ được hỗ trợ 70% giống và 100% ni lông che phủ.


Người dân xã Minh Quang (Chiêm Hóa) chăm sóc lạc vụ đông.

Nhờ cây lạc mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã ổn định cuộc sống. Điển hình như anh Ma Ngọc Khoa, thôn Nà Giàng, xã Minh Quang đang trồng khoảng 4.000 m2 lạc. Anh tâm sự, cây lạc rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên đạt năng suất cao. Những năm gần đây lạc được giá nên mỗi năm gia đình anh cũng thu được khoảng gần 40 triệu đồng. Từ một gia đình thuộc hộ cận nghèo của xã, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, kinh tế ổn định, yên tâm gắn bó với mảnh đất quê hương. 

Tạo dựng thương hiệu

Huyện Chiêm Hóa hiện đang khai thác thế mạnh về sản xuất lạc theo chiều sâu. Trên thực tế, huyện đã triển khai theo 3 phương thức. Phương thức thứ nhất là 1 lúa, 1 màu, 1 lạc, tổng thu 175,4 triệu đồng/ha; 2 lúa, 1 lạc tổng thu nhập 175,4 triệu đồng/ha. Riêng công thức 2 lạc, 1 lúa là lạc xuân - lúa mùa - lạc đông có tổng thu nhập 196 triệu đồng/ha. Chính vì vậy, từ năm 2017 huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí để người nông dân trồng 10 ha lạc vụ đông bằng biện pháp che phủ ni lông. Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, mô hình trồng lạc đông năng suất không thua kém vụ hè thu, giá bán lạc giống lại tăng gấp 2 lần so với lạc thịt. Vì vậy, huyện đang gây dựng và tạo thương hiệu vùng lạc giống vụ đông. Đây là biện pháp thay đổi tập quán canh tác cũ, hình thành vùng trồng lạc hàng hóa, tạo nguồn giống tốt để phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, vụ đông năm 2018 huyện đã hỗ trợ 60% tiền mua lạc giống, 100% tiền mua ni lông và 50% tiền thuê làm đất bằng máy cho 4 xã đăng ký tham gia mô hình trồng lạc đông làm giống. 


Nông dân xã Phúc Sơn thu hoạch lạc vụ xuân 2018, năng suất 34 tạ/ha.  Ảnh: K.T

Năm 2018, toàn huyện gieo trồng 2.713 ha lạc, cho sản lượng gần 8.872 tấn. Riêng vụ đông tổ chức thực hiện gieo trồng lạc giống với diện tích 54,351 ha tại 4 xã Yên Nguyên, Tân Mỹ, Phúc Sơn, Minh Quang. Với năng suất bình quân 30 tạ/ha, sản lượng khoảng trên 160 tấn giống sẽ trở thành nguồn cung cấp giống chất lượng phục vụ cho sản xuất vụ xuân năm 2019 trên địa bàn huyện. Để triển khai có hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền cho bà con thấy được ý nghĩa của kế hoạch và cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Anh Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên nói, nhận được kế hoạch của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, xã đã tập trung triển khai xuống đến các hộ dân; chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản lạc giống bằng các cách làm tốt nhất. Bên cạnh đó, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ nhóm trồng lạc có đủ năng lực trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tham gia việc liên doanh, liên kết để đầu tư, thu mua sản phẩm cho người dân.

Để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020, trước mắt huyện còn nhiều công việc phải làm. Một mùa xuân mới lại về, hy vọng với điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với bản chất cần cù, chịu khó của người nông dân trên địa bàn và những chính sách hợp lý, sản phẩm lạc Chiêm Hóa ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục