,

Thương hiệu nông sản

Khẳng định giá trị “vàng”

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” được triển khai thực hiện với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trọng tâm là phát triển sản phẩm có lợi thế của từng địa phương. Sau hai năm, Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đã đạt những kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Tuyên.

Tạo cơ hội phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 11-3-2019, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2020 trên địa bàn với mục tiêu mỗi xã phải xây dựng và phát triển được ít nhất 1 sản phẩm, mỗi huyện có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực. 

Hiện tại, hầu hết các xã đã xác định được sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để đầu tư phát triển; 7/7 huyện, thành phố xây dựng được ít nhất 1 sản phẩm; tỉnh cũng đã nhận diện được 9 sản phẩm chủ lực gồm cam, chè, mía, bưởi, lạc, gỗ rừng trồng, con trâu, con lợn và con cá đặc sản. Đã có 47 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhiều sản phẩm đã khẳng định được thị phần, vươn tầm quốc gia, quốc tế. Điển hình như sản phẩm chè xanh, đen của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm; cá đặc sản hồ Na Hang...

Người dân thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Hải Đăng
 

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng 179 sản phẩm nông sản có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP. Hỗ trợ chủ thể nâng cấp các sản phẩm hiện có để đạt “sao” theo quy định, trước mắt trong năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ 40,6 tỷ đồng để tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm nông nghiệp. Chương trình hỗ trợ gồm xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; nâng cấp thiết bị sản xuất, chế biến... Đồng thời, hỗ trợ 51 sản phẩm nhóm thực phẩm, 18 sản phẩm nhóm đồ uống, 1 sản phẩm thảo dược; 1 sản phẩm nội thất, trang trí và 2 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Yêu cầu đặt ra là các địa phương, cơ sở, hộ gia đình sản xuất tự quyết định lựa chọn các sản phẩm có lợi thế để đầu tư phát triển sao cho các sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt nhất, đảm bảo tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Khẳng định thương hiệu “vàng”

Hơn nửa năm chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục liên quan, các địa phương đã cơ bản lựa chọn được các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc thù, đánh giá, phân loại ngay từ cơ sở. Trong đợt đầu tiên đánh giá hồi tháng 8 vừa qua, sản phẩm chè Shan tuyết loại 1 tôm 1 lá của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) và cam sành Hàm Yên của Công ty cổ phần Cam Sành Hàm Yên là 2 sản phẩm được đánh giá, chấm điểm 4 sao (tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh). 12 sản phẩm số điểm đạt tiêu chuẩn 3 sao (cấp huyện) gồm: Chè Shan Khau Mút, Homestay Nặm Đíp, Homestay Nà Muông của huyện Lâm Bình; cá kho Mạnh Mẽ, chè Pà Thẻn Linh Phú, rượu nếp cất 2 lần Ông Chấp của huyện Chiêm Hóa; chè Shan Tuyết Hồng Thái loại 1 tôm 2 lá, chè Shan tuyết Việt Dũng Sinh Long, rượu ngô Na Hang Trung Phong, bún khô Đà Vị của huyện Na Hang và bưởi Đức Ninh, chè Tân Thái Dương 168 của huyện Hàm Yên.

Sản phẩm bưởi Xuân Vân (Yên Sơn) đang được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh
đưa vào xét để gắn sao OCOP đợt 2-2020.  Ảnh: Quốc Việt

Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà Đặng Ngọc Phố phấn khởi, sau khi được gắn 4 sao sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái đã có thêm 5 siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng ký kết tiêu thụ sản phẩm. Chè Shan tuyết Na Hang được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn làm quà tặng tặng Thủ tướng Malaysia năm 2019, đây là vinh dự lớn của người dân Na Hang. Ông Phố kỳ vọng, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất để cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh đưa sản phẩm xuất khẩu và đạt chuẩn 5 sao trong những năm tiếp theo. 

Sau những danh hiệu TOP 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam; TOP 10 nhãn hiệu - thương hiệu nổi tiếng Việt Nam; Thương hiệu “vàng” nông nghiệp Việt Nam, trong “cuộc đua” OCOP, cam sành Hàm Yên tiếp tục khẳng định giá trị, đạt 4 sao. Hiện người trồng cam Hàm Yên đang thực hiện mục tiêu chuyển đổi biện pháp canh tác theo hướng VietGAP, hữu cơ không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm vươn tầm cấp quốc gia. 

Theo Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết năm nay, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh sẽ tiếp tục họp xét, đánh giá 62 sản phẩm và thực hiện gắn sao đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Có thể khẳng định phát triển sản phẩm OCOP góp phần lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.                

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục