,

Thương hiệu nông sản

Lạc Chiêm Hóa - sản phẩm OCOP năm 2020

Cây lạc được xác định là 1 trong 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Tuyên Quang (theo Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh). Hàng năm, diện tích cây lạc toàn tỉnh trên 4.500 ha, sản lượng trên 12.000 tấn. Chiêm Hóa là huyện có vùng lạc lớn nhất tỉnh Tuyên Quang, với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 2.800 ha, năng suất bình quân khoảng 32 tạ/ha và sản lượng gần 9.000 tấn/năm.

(Ảnh: sản phẩm Lạc nhân và Lạc củ Chiêm Hoá)

Những năm qua, huyện Chiêm Hóa đã đẩy mạnh phát triển cây lạc gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nghiên cứu phục tráng giống lạc L14 và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để mở rộng trong sản xuất lạc trên cả 3 vụ; nhờ đó mà cây lạc đã khẳng định được tiềm năng kinh tế, thu nhập của người dân từ trồng lạc không ngừng được nâng lên. Phúc Sơn là một xã vùng cao cách trung tâm huyện Chiêm Hóa 25 km, là xã có diện tích trồng lạc lớn nhất huyện Chiêm Hóa. Toàn xã có trên 2.000 hộ với gần 8.000 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em sinh sống. Lạc là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã. Vào thời vụ sản xuất, về với Phúc Sơn - Chiêm Hóa chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cánh đồng bạt ngàn màu xanh của cây lạc.


(Ảnh: Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn; cán bộ Trung tâm Khuyến nông
và Phòng Nông nghiệp và PTNT kiểm tra vùng lạc tại xã Phúc Sơn
)

Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi, cùng với sự cần cù lao động của người dân nơi đây đã tạo ra những vụ lạc bội thu năng suất cao, phẩm chất tốt. Lạc là loại thực phẩm phổ biến của người dân trong những bữa ăn thường ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những món ăn được chế biến từ lạc như: Lạc rang giòn, lạc rang muối, lạc luộc, dầu lạc, hay các loại bánh kẹo được chế biến từ lạc được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2015, lạc Chiêm Hóa đã chính thức được công nhận nhãn hiệu tập thể được giao cho Hợp tác xã nông lâm nghiệp Phúc Sơn quản lý. Sản phẩm lạc Chiêm Hóa không ngừng vươn xa. Nhờ vậy thương hiệu lạc Chiêm Hóa được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã Phúc Sơn đã lựa chọn sản phẩm lạc tham gia chương trình OCOP năm 2020, gồm có: Lạc vỏ và Lạc nhân. Chủ thể phát triển sản phẩm này là Hợp tác xã nông lâm nghiệp Phúc Sơn. Năm 2020, Hợp tác xã đã thu mua, tiêu thụ lạc cho người dân, giá bán ra thị trường lạc vỏ khoảng từ 22.000 đồng/kg đến 30.000 đồng/kg; lạc nhân bán với giá 50.000 đồng/kg đến 55.000 đồng/kg. Ngoài việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lạc cho người dân tại địa bàn xã Phúc Sơn, Hợp tác xã nông lâm nghiệp cũng mở rộng liên kết vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP trên địa bàn các xã, như: Hùng Mỹ, Tân Mỹ, Xuân Quang, Hà Lang, Trung Hà và Minh Quang.

Để sản phẩm Lạc Chiêm Hóa có thể nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân, trong thời gian tới cần phát huy sức mạnh cộng đồng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa phương, mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến sâu các sản phẩm từ Lạc, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để các sản phẩm vươn xa hơn nữa là vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

             Bài và ảnh: Ngô Tuyết Nhung              

    Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn

Tin cùng chuyên mục