,

Thương hiệu nông sản

Người 'bắc cầu' giúp nông dân xứ Tuyên làm giàu từ đồng ruộng

Trong cuộc trò chuyện với tôi, điện thoại của anh liên hồi đổ chuông. Người ta gọi anh hỏi về kỹ thuật gieo trồng, về lịch và giá thu mua dưa chuột...

Nuôi gà "khép lại", dưa chuột "mở ra"

Anh Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX Giống gia cầm Minh Tâm (HTX Minh Tâm) ở thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là người dân tộc Kinh. Anh sinh ra ở vùng quê miền núi nghèo của tỉnh Tuyên Quang với bốn bề xung quanh là bản người Mông, người Nùng.

Anh Trần Văn Phúc kiểm tra vùng dưa chuột liên kết với HTX Minh Tâm. Ảnh: Đào Thanh.

Lăn lội mỏi mòn khắp trong Nam, ngoài Bắc làm đủ nghề để kiểm sống, năm 1991, khi tích lũy được ít vốn và kiến thức làm kinh tế, anh về quê lập nghiệp với nghề ấp gà giống. Bởi anh nghĩ làm nghề nông thì cây, con giống là tiên quyết. Cứ chọn được giống tốt, giống năng suất chất lượng là sẽ thắng.

Chẳng biết ý nghĩ đó là đúng hay do gặp thời mà những vụ gà thắng liên tiếp. Tiếng tăm của trang trại gia cầm giống của anh đã vượt xa khỏi làng, xã Tú Thịnh quê anh, xa khỏi tỉnh Tuyên Quang.

Anh Phúc tâm sự: Cuối những năm 90, đầu những năm 2000, gà giống của anh “bay” vào tận miền Trung, Tây Nguyên. Khi ấy, ở làng anh nói đến cái máy bay vuông tròn thế nào nhiều người còn chưa biết, thế mà những con gà giống của anh đã được đi máy bay, vượt cả nghìn cây số để cung cấp cho các trang trại vùng cao nguyên nắng gió.

Có thời điểm, trang trại gà giống của anh lên đến trên 4.000 con, thu lãi hơn 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại theo mô hình chuồng khép kín có máng ăn uống tự động, quạt thông khí, hệ thống đệm lót nền chuồng nên đàn gà phát triển rất tốt, ít bệnh.

Hiện nay, giá dưa chuột trung bình được HTX của
anh Phúc thu mua cho bà con với giá 7.000 đồng/kg. Ảnh: Đào Thanh.

Thế nhưng chuyện nuôi gà giống của anh chẳng thể thuận lợi mãi khi hàng loạt khó khăn kéo đến: Chăn nuôi gia cầm mất giá, nhu cầu giảm; hãng hàng không không thực hiện trả bảo hiểm cho gia cầm chết trong quá trình vận chuyển; dịch bệnh liên miên đẩy trang trại của anh vào giai đoạn thua lỗ. Có thời điểm cao nhất anh lỗ cả tỷ đồng.

Càng nuôi càng lỗ, cuối năm 2018, anh Phúc quyết định ngừng kinh doanh gia cầm giống, những lò ấp trứng, kho lạnh được đầu tư cả vài trăm triệu đồng đành để “ngủ” hết đông sang hè mà vẫn chưa được đánh thức.

Chuyện nuôi gia cầm gần như “đóng lại” thì chuyện trồng dưa chuột lại “mở ra” hướng đi mới với anh. Trong những lần lang thang xuống tham quan tại Vĩnh Phúc, cái tính thật thà ham học hỏi cộng vốn kiến thức làm ăn từ nghề nuôi gia cầm đã giúp anh nhanh chóng được ông chủ HTX trồng dưa ở đây để ý.

Và việc gợi ý mở rộng vùng nguyên liệu liên kết bao tiêu sản phẩm với HTX Dịch vụ Nông nghiệp - Kinh doanh hàng hóa nông sản An Hòa (HTX An Hòa), huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc được nhen nhóm. Đến nay, thì tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 160 ha vùng dưa do HTX của anh Phúc quản lý với giá thu mua ổn định, cho nhiều hộ nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng.

 

Cùng nông dân làm giàu bằng sự chuyên nghiệp

Các vùng chuyên canh trồng dưa chuột liên kết với HTX Minh Tâm đang tạo nên sự ổn định, thu nhập cao cho nhiều vùng quê xứ Tuyên. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Phúc chia sẻ, nông dân đuổi anh cũng chẳng sai bởi đã có nhiều doanh nghiệp, nhiều HTX triển khai mô hình nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở mô hình rồi chết yểu. Vì anh sống ở nông thôn, từ nông dân mà ra nên cái tâm lý ấy anh hiểu.

Càng hiểu, anh càng quyết tâm làm để thuyết phục bằng được họ và 3 ha dưa đầu tiên được trồng tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương. Sau đó được mở rộng khắp các xã của huyện Sơn Dương rồi lên cả những huyện vùng cao như Na Hang, Chiêm Hóa...

Cánh đồng dưa chuột của xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa cho năng suất và chất lượng quả đồng đều nhất tỉnh. Những luống dưa nếp như hợp với thổ nhưỡng đồng đất cứ xanh rì, lú nhú hoa vàng và quả trĩu trịt. Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa cho biết, cuối năm 2020 khi anh Phúc và HTX Minh Tâm đặt vấn đề trồng dưa chuột, ông và bà con nghi ngờ lắm.

Người dân Yên Nguyên vốn nổi tiếng cả tỉnh Tuyên Quang về sự chăm chỉ với đồng ruộng; nổi tiếng hệ số sử dụng đất trồng cây vụ 3 cao nhất tỉnh. Bởi vậy, họ rất yêu đất, không ít doanh nghiệp, HTX đến đây muốn triển khai mô hình đều bị họ lắc đầu không đồng ý. Họ không ngại khó, ngại khổ, càng không ngại phải học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trồng giống cây mới, mà chỉ sợ mô hình không hiệu quả. Nhưng sự thuyết phục của ông chủ HTX Minh Tâm và cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện... đã giúp bà con gật đầu nhận lời liên kết làm mô hình với diện tích 2ha.

Với sự tiên phong của HTX Minh Tâm, hiện toàn tỉnh Tuyên Quang
đã có hơn 160 ha trồng dưa chuột có liên kết sản xuất chặt chẽ. Ảnh: Đào Thanh.

Được HTX cung ứng giống, yêu cầu bón bằng phần hữu cơ vi sinh của đơn vị cung ứng; phun thuốc BVTV an toàn; rồi kỹ thuật làm đất, lên luống, làm giàn... người dân đều nhanh chóng truyền tai nhau, nhìn nhau mà làm. Sau hơn 30 ngày, cây dưa chuột cho thu hoạch trái, xe ô tô tải của nhân viên HTX đến tận nơi thu mua. Bà con thấy HTX không “mang con bỏ chợ” thật. Giờ thì diện tích dưa chuột của bà con liên kết với HTX Minh Tâm đã lên đến 17 ha. Lợi nhuận trung bình đạt 30 triệu/sào/3vụ.

Với 160ha dưa, hiện trung bình mỗi ngày HTX Minh Tâm có 30ha cho thu hoạch 20 tấn quả. HTX cam kết thu mua giá ổn định không dưới 2.000 đ/kg, và từ đầu năm 2021 đến nay, dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng chưa khi nào giá thu mua dưới 2.000 đ/kg, cá biệt nhiều tháng giá dưa hơn 10.000 đồng/kg. Nhờ trồng dưa, nhiều hộ thu lãi cả trăm triệu đồng/năm.

Đặc biệt vụ dưa thu đông 2021, anh Trần Văn Hòa ở thôn 5, xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang) lần đầu liên kết trồng 4ha dưa với HTX Minh Tâm, dù năng suất chưa đạt mong muôn nhưng trừ chi phí vẫn lãi gần 300 triệu đồng.

Anh Hòa cho biết, hiện gia đình đã bắt đầu xuống giống vụ dưa mới, dự kiến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ cho thu hoạch. Nếu không có biến động bất thường, anh dự kiến có thể thu lãi tiếp trên 300 triệu đồng trong vụ tới.

Anh Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm quán triệt vùng nào để xảy ra việc kiểm duyệt không tốt về chất lượng và giá dưa thì cán bộ phụ trách và nông dân vùng đó phải chụi trách nhiệm.

Để bà con tin tưởng, anh thường xuyên xuống tận các xứ đồng kiểm tra, giám sát sản xuất, kể cả những vùng xa xôi nhất tại các huyện Na Hang, Chiêm Hóa. Anh cũng mong muốn bà con làm chuyên nghiệp, bởi không làm ăn chuyên nghiệp, người thiệt không chỉ có riêng HTX của anh mà cả bà con sẽ mất đi nguồn thu ổn định, lâu dài.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục