,

Thương hiệu nông sản

Nhãn hiệu độc quyền nâng cao giá trị nông sản

Hiện nay thành phố Tuyên Quang đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh với 367 ha vùng cây ăn quả, gần 400 ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao và vùng chăn nuôi cá, mật ong ở các xã An Khang, Tràng Đà…


Thời gian qua, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng nhãn hiệu hàng độc quyền cho các sản phẩm nông sản mang lại giá trị cao cho người dân. Đến nay, thành phố đã có 7 nhãn hiệu hàng hóa độc quyền, gồm mật ong Tuyên Quang, bưởi Thái Long, lạc Vina, tăm giang xuất khẩu, chè Mỹ Lâm; gạo, mỳ sợi Kim Phú. Thành phố đang tiếp tục xây dựng nhãn hiệu một số hàng hóa độc quyền là gà đỏ Đồng Dầy, xã An Khang, ổi Kim Phú... Các sản phẩm hàng hóa nông sản được cấp nhãn hiệu độc quyền bảo đảm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tiếp cận với các thị trường khó tính.


Sản phẩm Mật ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang)
được trưng bày tại nhiều hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Nói đến mật ong Tuyên Quang, người tiêu dùng nghĩ ngay đến sản phẩm mật ong của HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ của anh Trần Xuân Phong, xã An Khang. HTX hiện có 2.000 đàn ong, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 300 tấn mật ong, 5 tấn phấn hoa. Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền cho sản phẩm mật ong Phong Thổ tại Cục Sở hữu trí tuệ; đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh. Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX nhấn mạnh, từ khi có nhãn hiệu độc quyền, sản phẩm mật ong của HTX được nhiều công ty, hệ thống siêu thị đặt mua sản phẩm, tiêu biểu là Công ty TNHH Mật ong Phong Sơn (Lâm Đồng) và hệ thống siêu thị trong toàn quốc đã ký hợp đồng tiêu thụ mật ong của HTX.

Được thành lập từ năm 2016, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mì gạo, bún khô, phở khô… đã xây dựng được thương hiệu “Mỳ gạo Thuật Yến”. Với công suất sản xuất 6 tạ mỳ/ngày, trung bình 15 - 18 tấn/tháng, doanh thu đạt 2,6 đến 2,7 tỷ đồng/năm, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 9 lao động, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay mỳ gạo Thuật Yến đã được các siêu thị trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang ký hợp đồng đặt mua, bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm. Chị Bế Thị Yến, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Thuật Yến cho biết, với phương pháp sản xuất theo quy trình khép kín và được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem nhãn, bao bì nên sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường. 

Gia đình ông Nguyễn Hồng Thái, thôn An Lộc A, xã An Khang là hộ đầu tiên nuôi gà đỏ. Sau khi tìm hiểu trên internet, gia đình ông chọn nuôi gà đỏ và lấy giống ở Duy Tiên, Hà Nam. Theo ông Thái, gọi là gà đỏ vì giống gà đỏ được nuôi theo phương thức thả rông khi trưởng thành da gà sẽ dày, có màu đỏ thẫm, rất khỏe mạnh, ít bệnh tật nên giảm thiểu được chi phí đầu tư và công chăm sóc. Đặc biệt, khi ăn da gà có độ giòn, mùi thơm đặc trưng, khác hẳn với những giống gà phổ biến hiện nay. Để duy trì và phát triển đàn con giống, gia đình ông Thái đã tự tạo giống, tỷ lệ gà ấp thành công đạt 80%. Hiện đàn gà của gia đình ông Thái có hơn 2.000 con. Khi xuất chuồng, mỗi con gà có trọng lượng trung bình khoảng 2,5 kg, giá thị trường khoảng 150 nghìn đồng/kg. Hiện trên địa bàn xã có tổng đàn gà trên 30.000 con, trong đó có 3 mô hình chăn nuôi gà quy mô gia trại, với số lượng khoảng 6.000 con, tập trung tại các thôn Trường Thi A, Trường Thi B, An Lộc A. Thành phố và xã An Khang hiện đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp nhãn hiệu hàng hóa độc quyền cho gà đỏ Đồng Dầy, bảo đảm sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhãn hiệu hàng hóa độc quyền là “visa” để các sản phẩm nông sản của thành phố vươn xa. Đặc biệt trong thời gian tới, nhiều khu du lịch tầm cỡ được hoàn thành xây dựng trên địa bàn thành phố như Khu vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC đi vào hoạt động kết nối với các khu du lịch trong tỉnh, trong nước, các sản phẩm hàng hóa nông sản có nhãn hiệu hàng hóa càng phát huy giá trị, trở thành sản phẩm cung ứng cho du khách, bảo đảm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.        

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục