,

Thương hiệu nông sản

Những kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020 (OCOP); Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến hết năm 2020 là: Mỗi huyện, thành phố xây dựng được 01 sản phẩm chủ lực có quy mô cấp huyện và toàn tỉnh hỗ trợ tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm. Sau 02 năm thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được kết quả như sau:

Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã tổ chức hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá. Các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chủ lực của địa phương mình để tham gia chu trình OCOP; đồng thời hướng dẫn các chủ thể tổ chức sản xuất tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm. Một số địa phương, chủ thể đã tích cực triển khai thực hiện chương trình, điển hình như: Huyện Na Hang, huyện Chiêm Hoá, xã Hồng Thái (huyện Na Hang), Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, Hợp tác xã Sơn Trà, Công ty TNHH MTV Nhật Nam.

(Ảnh: Các thành viên Hội đồng và đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm
OCOP tỉnh Tuyên Quang đang quan sát, trao đổi về hình thức bao bì các sản phẩm OCOP)

Qua việc thực hiện chương trình OCOP đã giúp cho các chủ thể sản phẩm hiểu biết hơn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về: Sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; biết phát huy sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP đã đạt những kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Năm 2020, toàn tỉnh có 79 sản phẩm phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đạt 106,8% kế hoạch (trong đó có 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 62 sản phẩm đạt hạng 3 sao) của 51 chủ thể (gồm: 05 doanh nghiệp, 38 hợp tác xã, 04 tổ hợp tác và 04 hộ gia đình) trên địa bàn 42 xã, phường, thị trấn của 07 huyện, thành phố.

(Chè xanh Ngọc Thuý – sản phẩm OCOP hạng 4 sao 

của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh)

07/07 huyện, thành phố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng được ít nhất 01 sản phẩm chủ lực cấp huyện để tham gia chương trình OCOP, cụ thể: huyện Lâm Bình có sản phẩm thịt dê núi Thổ Bình; huyện Na Hang có sản phẩm chè Shan Tuyết và cá Lăng; huyện Chiêm Hoá có sản phẩm Lạc Chiêm Hoá và bánh gai Chiêm Hoá; huyện Hàm Yên có sản phẩm Cam sành Hàm Yên; huyện Sơn Dương có sản phẩm chè xanh Trung Long và chè xanh Tâm Trà, huyện Yên Sơn có sản phẩm chè xanh Ngọc Thuý và Bưởi Xuân Vân; thành phố Tuyên Quang có sản phẩm mật ong hương rừng.

(Cam sành Hàm Yên-sản phẩm OCOP năm 2020)

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chủ thể của chương trình là các Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ gia đình. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện trong định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là vấn đề then chốt, quyết định đến sự thành công của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt với tỉnh Tuyên Quang, một tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thì việc chú trọng thực hiện chương trình OCOP gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết.

Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo chuỗi giá trị, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao để nâng cao thu nhập, mức sống của người dân nông thôn./.

Bài và ảnh: Đ/c Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT

Tin cùng chuyên mục