,

Thương hiệu nông sản

Những sản phẩm OCOP đầu tiên của Tuyên Quang

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện (Hợp tác xã). Với 06 nhóm sản phẩm là: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm-nội thất-trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 11/3/2019 về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020: Mỗi huyện, thành phố xây dựng được 01 sản phẩm chủ lực có quy mô cấp huyện và hỗ trợ tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm.

Để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Tuyên Quang đã tuyên truyền, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ các chủ thể sản phẩm thực hiện các nội dung: Sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; quản lý nhãn hiệu; xúc tiến thương mại…, bao gồm: Vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ quản lý nhãn hiệu cho 43 sản phẩm; vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, cụ thể:

Nghị quyết 09/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi, với nội dung hỗ trợ là: Xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm tối đa 100 triệu đồng/sản phẩm. Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm: Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 01 lần tối đa 4 triệu đồng/hội chợ trong tỉnh; tối đa 10 triệu đồng/hội chợ ngoài tỉnh trong 3 năm liền.

Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với các chính sách hỗ trợ là:

- Hỗ trợ xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn áp dụng theo tiêu chuẩn (VietGAP, Organic…) bằng 80% chi phí thực tế, nhưng tối đa 100 triệu đồng/HTX theo tiêu chuẩn trong nước và 600 triệu đồng/HTX theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa, cụ thể:

+ Chi phí thực tế thực hiện các hoạt động quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm 01 lần/năm/Hợp tác xã trong 3 năm. Mức tối đa là 50 triệu đồng/lần/năm/Hợp tác xã.

+ Hỗ trợ 01 lần chi phí thực tế tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài tỉnh. Mức tối đa: Miền Bắc 20 triệu đồng/HTX; miền Trung 30 triệu đồng/HTX; miền Nam 40 triệu đồng/HTX.

+ Hỗ trợ 01 lần chi phí thực tế thực hiện xúc tiến thương mại để xuất khẩu khi Hợp tác xã tham gia xuất khẩu lần đầu, mức tối đa 100 triệu đồng/HTX.

Năm 2020, các huyện, thành phố lựa chọn 74 sản phẩm, tập trung lựa chọn những sản phẩm đã có để hoàn thiện hồ sơ, hầu hết các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng năm 2020 đã có nhãn hiệu hoặc đã được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm….

Ngày 19/8/2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang họp đánh giá đợt 1 năm 2020 đối với sản phẩm của 04 huyện: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang đợt 1/2020)

Kết quả đánh giá có tổng số 14 sản phẩm đủ số điểm đề nghị công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 02 sản phẩm số điểm đạt tiêu chuẩn 4 sao, là: Chè Shan Tuyết Hồng Thái loại 01 tôm 01 lá và Cam sành Hàm Yên; 12 sản phẩm số điểm đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Chè Shan Khau Mút, Homestay Nặm Đíp, Homestay Khuôn Hà, Cá kho Mạnh Mẽ, Chè Pà Thẻn xã Linh Phú, Rượu nếp cất 2 lần ông Chấp, Chè Shan Tuyết Hồng Thái loại 1 tôm 2 lá, Chè San tuyết Việt Dũng Sinh Long, Rượu ngô Na Hang Trung Phong, Bún khô Đà Vị, Bưởi Đức Ninh và Chè Tân Thái Dương 168.

Trong tháng 8/2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tiếp tục họp đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 1 của 03 huyện còn lại (Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang).

Các sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, được tỉnh ưu tiên lựa chọn tham gia các chương trình hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, sẽ nhận được sự quan tâm của khách hàng, các nhà phân phối, các đại lý trong và ngoài tỉnh. Các đơn vị, chủ thể sản xuất tham gia hội chợ, có cơ hội được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý và các nhà phân phối. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia hội chợ cũng sẽ có cơ hội để nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các sản phẩm cùng loại của các tỉnh, tìm hiểu yêu cầu của các nhà phân phối để từ đó làm cơ sở hoàn thiện và phát triển sản phẩm của đơn vị.

Những tháng còn lại của năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang tiếp tục phối hợp UBND các huyện, thành phố hỗ trợ, giúp đỡ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng đợt 2; phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh có 74 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP./.

Bài, ảnh: Đ/c Ngô Tuyết Nhung - PCCT. CC Phát triển nông thôn

Tin cùng chuyên mục