,

Thương hiệu nông sản

Phát triển chăn nuôi lợn đặc sản gắn với thương hiệu sản phẩm sạch

Hiện nay đàn lợn đen bản địa, chiếm 15% tổng đàn lợn hiện có của toàn tỉnh. Những năm qua, trải qua nhiều đợt rớt giá, dịch bệnh, khiến nhiều người nuôi lợn thông thường lao đao, nhưng hộ dân chọn nuôi lợn đen đặc sản vẫn đứng vững, có thu nhập khá và ổn định.

Huyện Lâm Bình là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng Đề án phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản có thế mạnh. Lợn đen địa phương là một trong 5 loại vật nuôi được đưa vào đề án này để xây dựng các chương trình hỗ trợ và khuyến khích người dân phát triển theo quy mô lớn hơn trong những năm tới.

Gia đình ông Lý Tiến Báo, thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình có đàn lợn đen nhiều nhất xã với hơn 70 con. Mỗi năm gia đình xuất bán trên 1 tấn lợn thịt và lợn giống, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ông chia sẻ: Nuôi giống lợn này ít bị bệnh, gia đình tự chủ được con giống lại có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi. Việc tiêu thụ sản phẩm lợn đen bản địa ra thị trường khá thuận lợi và có giá cao, hiện giá lợn đen thịt trên 20kg giá 80.000 đồng/1kg. Thời điểm cuối năm 2016, giá lợn giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao. Hay như đầu năm nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi gây nhiều thiệt hại, nhưng do công tác phòng dịch được đảm bảo nên đàn lợn gia đình vẫn được an toàn và giá vẫn giữ ở mức cao.


Ông Lý Tiến Báo, thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình (Lâm Bình) chăm sóc đàn lợn đen giống.

Nhằm bảo tồn và nâng cao giá trị giống lợn bản địa trên thị trường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đã thực hiện dự án Chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn mán) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại một số tỉnh miền núi phía Bắc năm 2019. Dự án đã xây dựng được đàn lợn gồm 90 con với 9 con lợn đực và 81 con lợn nái được nuôi tại 9 hộ gia đình của 2 xã là Trung Sơn và Phú Thịnh (Yên Sơn). Chị Nguyễn Thu Trang, cán bộ Phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, người thực hiện dự án cho biết: Qua 8 tháng thực hiện dự án, việc chăn nuôi giống lợn bản địa rất thuận lợi, không mất công sức, nguồn thức ăn sẵn có, chỉ là cây chuối và cám ngô và các loại men vi sinh. Hiện nay, giá mỗi kg thịt lợn bản địa cao gấp 2 lần so với lợn thường, không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Gia đình chị Đặng Thị Thiết, thôn Đát Trà, xã Phú Thịnh hiện có 10 con lợn thực hiện dự án. Chị chia sẻ, gia đình đã nuôi lợn được trên 10 năm, nhưng giá lợn trắng bấp bênh, năm được năm mất, công chăm sóc nhiều, trừ chi phí không lãi được nhiều. Khi tham gia dự án, được cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chị thấy lợn lớn nhanh không kém nhiều so với lợn trắng nuôi trước đây, đặc biệt là giá bán cao, đầu ra ổn định trên thị trường.

Từ năm 2017, Trạm Giống vật tư nông lâm nghiệp Hàm Yên đã thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống và chăn nuôi lợn rừng lai. Anh Lê Văn Quân, Trạm trưởng Trạm Giống vật tư nông lâm nghiệp Hàm Yên cho biết, trạm đã xây dựng được trang trại chăn nuôi lợn rừng lai quy mô 60 con lợn nái địa phương và 6 con lợn đực rừng giống, quá trình chăn nuôi lợn đen, lợn rừng lai diễn ra thuận lợi, lợn lớn nhanh, không mắc các bệnh thường gặp như lợn trắng. Giá bán ra thị trường cao gấp 3 lần, mở ra một hướng phát triển mới cho nhiều hộ chăn nuôi lợn đặc sản trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh đánh giá, khó khăn nhất là việc bảo tồn nguồn gen giống lợn đen bản địa. Hiện nay, tại nhiều địa phương, việc lai tạo từ các giống lợn không có sự thống nhất từ các hộ gia đình. Từ 2012 đến nay, chi cục đã phối hợp với Dự án TNSP tỉnh hỗ trợ cho 5 tổ hợp tác thuộc các xã Năng Khả, Thanh Tương, Sơn Phú (Na Hang), Thổ Bình, Thượng Lâm (Lâm Bình) một số lợn nái đen giống địa phương và lợn đực ngoại để cải tạo chất lượng đàn. Qua theo dõi, lợn phát triển tốt, tăng giá trị kinh tế cho người chăn nuôi.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục