,

Thông tin tuyên truyền

Vẫn nói về hạnh phúc trong mùa dịch COVID-19

Những năm trước, sau Tết Nguyên đán, người ta nói về lễ hội và chuẩn bị cho Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Nhưng bước sang năm 2020, nhân loại phải đối mặt với dịch Covid-19 - đối mặt với lo lắng, vất vả, hi sinh... Song, dù trong hoàn cảnh nào thì con người vẫn nói về hạnh phúc với quan niệm và cảm nhận phù hợp với hiện thực cuộc sống.

Quan niệm và cảm nhận hạnh phúc trong mùa dịch Covid-19 phải khác!

Con người sinh ra trên trái đất với khát vọng lớn lao là tạo dựng và tận hưởng hạnh phúc. Vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào thì khát vọng này của con người vẫn cháy lên mạnh mẽ. Khi dịch Covid-19 đang hoành hành ở nhiều nơi trên trái đất, con người vẫn tìm cách thể hiện khát vọng hạnh phúc của mình. Lúc này, quan niệm và cảm nhận hạnh phúc có khác với bình thường - hạnh phúc được hiểu sâu hơn, rộng hơn, gần gũi hơn với thực tế cuộc sống. Hạnh phúc lúc này không phải là nụ cười tươi rói bên những bông hoa với màu sắc rực rỡ, mà là sự trầm tĩnh, tỉnh táo để đương đầu với những thử thách khốc liệt.

Hạnh phúc là một khái niệm với nội hàm vô cùng rộng lớn; mỗi con người ở mỗi thời điểm khác nhau, có quan niệm và cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Và như vậy, hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh mỗi người, ở trong mỗi người; sắc màu và kích thước của hạnh phúc có thể biến đổi; hạnh phúc có thể là những điều lớn lao như hòa bình cho thế giới, con người trên khắp hành tinh không lo đói khát; hạnh phúc cũng có thể là những điều nhỏ bé, dung dị khi bà mẹ kiếm được tiền mua sữa cho con, hay khi hai đứa trẻ cùng che chung một chiếc nón lúc trời mưa. Vì vậy, sẽ có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”, bởi vì mỗi người có quan niệm riêng và cách cảm nhận hạnh phúc riêng của mình.

Khi thế giới thành bình và yên ả, với mỗi con người trưởng thành, hạnh phúc là có gia đình, có con cái, được làm công việc phù hợp với khả năng của mình và được hưởng thụ xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Đó là loại hạnh phúc giản dị nhất đối với hàng trăm triệu người. Còn đối với những nguời có khát vọng, có hoài bão lớn thì hạnh phúc có thể ở mức cao hơn; đó là luôn luôn trăn trở, tìm tòi để làm được nhiều việc tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn cho xã hội. Đây chính là động lực thúc đẩy những con người xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, sản xuất kinh doanh; những động lực này biến họ thành những con người lao động sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá trong công nghệ để họ trở nên giàu có. Song, khi họ giàu có rồi thì họ lại mang tài sản của mình để làm từ thiện, để giúp những người nghèo đói có công ăn, việc làm; có nhà ở, có điều kiện học hành.

Quan trọng hơn với tất cả mọi người, hạnh phúc là được sẻ chia những niềm vui và nỗi buồn; được quan tâm, được yêu thương, được chăm sóc những người thân yêu; được sống chan hòa, nhân ái trong cộng đồng rộng lớn. Chính vì thế, thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” là thông điệp xuyên suốt năm tháng từ khi thế giới có Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Năm 2020, khi cả thế giới đang chuẩn bị đón Ngày Quốc tế Hạnh phúc thì một tai họa lớn ập xuống: Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây bệnh cho nhiều người, xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và lan nhanh trên khắp thế giới. Đến lúc này, người ta ít quan tâm tới việc do đâu mà loại virus này xuất hiện; người ta chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để ngăn ngừa loại virus này gây hại. Nhân dân của nhiều quốc gia trên thế giới lại nêu cao thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” để cùng nhau “chiến đấu” chống nạn dịch được chính thức gọi tên là Covid-19.

Cả thế giới hướng về Vũ Hán và hô: “Vũ Hán cố lên!”

Dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán và gây ra nỗi kinh hoàng cho nhiều người. Lúc đầu người ta ghê sợ khi hai chữ “Vũ Hán” được nhắc đến nhưng rồi người ta nhanh chóng nhận ra là Vũ Hán cần yêu thương và chia sẻ chứ không phải là sự kỳ thị. Thế là lời hô “Vũ Hán cố lên!” được hô vang trên đường phố của nhiều nơi trên thế giới. Đã có những đội ngũ thấy thuốc của nhiều quốc gia trên thế giới tình nguyện đến Vũ Hán để cùng những người dân ở đây tìm mọi phương thức chống lại Covid-19 để cứu người và chống lây lan ra bên ngoài.

Đã có nhiều chuyện cảm động diễn ra trong những ngày dập dịch ở Vũ Hán. Có đôi trai gái yêu nhau, người con trai là bác sĩ; họ đã lên kế hoạch cho đám cưới nhưng tạm gác lại để toàn tâm, toàn ý “chiến đấu” với virus corona. Trong cuộc chiến này cũng không tránh được hi sinh. Người chồng chưa cưới là bác sĩ kia đã vĩnh viễn ra đi, cô gái chưa kịp làm cô dâu kia đau đớn khôn cùng trong nỗi đau mất người yêu nhưng cô không gục ngã. Việc chấp nhận mất người thân, việc hi sinh hạnh phúc cá nhân của mình để lo sự sống cho nhiều người khác cũng là một thứ hạnh phúc của con người. Nhận thức sâu sắc được điều này, con người sẽ có sức mạnh, có bản lĩnh để dũng cảm đương đầu với khó khăn, nguy hiểm. Những tấm gương không sợ hi sinh đã có tác dụng khích lệ, động viên giới trẻ lên đường tới Vũ Hán với tinh thần lạc quan.

Cả thế giới đã biết đến cô y tá trẻ Điền Phương Phương khi cô từ dã quê quán yên bình của mình để đến tâm dịch Vũ Hán. Cô đến đây với tinh thần lạc quan thông qua những hành động, lời nói hóm hỉnh, hài hước của mình. Khi được yêu cầu viết ra mong muốn của mình, cô đã viết: “Mong dịch Covid qua nhanh và sau khi hết dịch, được Nhà nước cấp cho... bạn trai”. Cách xử sự của cô gái này đã làm cho nhiều người nở nụ cười tự tin giữa không khí bệnh tật, chết chóc. Điều này cũng góp phần tạo ra những câu chuyện đẹp đẽ, lạc quan khác.

Bs Liu Kai và bệnh nhân ngắm hoàng hôn tại BV Vũ Hán ngày 05/3. Ảnh Global times

Đó là chuyện của bác sĩ Liu Kai, 27 tuổi. Nhóm của bác sĩ Liu làm việc tại Bệnh viện Renmin của Đại học Vũ Hán, nơi tất cả bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch hoặc nguy hiểm. Sau khi đưa một bệnh nhân cao tuổi đi chụp cắt lớp xong, bác sĩ Liu hỏi: “Ông có thích hoàng hôn không?”. Bệnh nhân 87 tuổi nằm trên giường bệnh và nói: “Nó rất đẹp!”. Không ngần ngại, bác sĩ Liu cẩn thận đẩy giường bệnh nhân ra ngoài trời và cùng ngắm hoàng hôn. Cả bác sĩ và người bệnh tranh thủ quãng thời gian ít ỏi để ở cạnh nhau và tận hưởng ánh nắng mặt trời hiếm hoi ở Vũ Hán vào ngày 05/3/2020. Người ta đã chụp được bức ảnh này và báo chí, truyền thông đã nhanh chóng phổ biến hình ảnh đẹp này ra thế giới. Sau đó, bác sĩ Liu chia sẻ thêm: “Bệnh nhân 87 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch nhưng gia đình không thể đến thăm thường xuyên vì hạn chế giao thông. Ông ấy đã không nhìn thấy mặt trời trong một tháng”. Bản thân bác sĩ Liuhầu như cũng không có cơ hội nhìn thấy mặt trời vì đã dành rất nhiều thời gian ở trong bệnh viện. Do vậy “Cả hai chúng tôi đều rất hạnh phúc khi được đứng dưới ánh nắng mặt trời cùng nhau” - Bác sĩ Liu đã nói như vậy.Vài phút sau đó, bác sĩ Liu đã đưa bệnh nhân về phòng, “Ông ấy rất hạnh phúc và ngủ thiếp đi khá nhanh” - Bác sĩ Liu nhận xét. Còn dân cư mạng thì bình luận: “Không chỉ mặt trời, mà bức ảnh còn cho thấy hy vọng”; “Khoảnh khắc thật ấm áp, anh sáng ở ngay trước mặt họ”...

Một điều đáng ghi nhận nữa là những gì diễn ra ở Vũ Hán đã làm thay đổi cách nghĩ, cách xử sự sai lầm của một số quan chức. Chúng ta còn nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng là một trong những người đầu tiên cảnh báo về mối đe dọa của virus corona. Lúc đầu ông bị xem là “kẻ bịa đặt”, bị cảnh sát mời lên thẩm vấn. Mặc dầu vậy, ông đã dũng cảm chiến đấu chống Covid-19 và anh dũng hi sinh. Mới đây, ông được Nhà nước Trung Quốc vinh danh là “cá nhân xuất sắc”; ông từ “Kẻ bịa đặt” trở thành “Người đáng kính”. Những hành động của những người dũng cảm dám nói những điều mới mẻ mà họ phát hiện ra đang được ca ngợi, tôn vinh. Điều này sẽ mang lại hi vọng và hạnh phúc cho xã hội.

Điều đáng nói là tình hình ở Vũ Hán đã được cải thiện nhanh chóng, đã có những chiếc giường trống trong bệnh viện. Người ta hi vọng Vũ Hán kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và dập tắt nạn dịch trong thời gian không xa. Đây là hạnh phúc của người dân Vũ Hán và của cả nhiều người khác trên thế giới. Vũ Hán đã được yêu thương và chia sẻ trong những ngày đen tối nhất của nạn dịch Covid-19.

Hiện nay, tình hình ở Vũ Hán đang càng ngày càng trở nên sáng sủa nhưng lại nảy sinh những “Vũ Hán mới” là Daegu ở Hàn Quốc, Lombardy ở Italia, Tehran ở Iran và một số nơi khác. Trong tình thế dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở nhiều quốc gia trên thế giới thì thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” vẫn được nhiều người xem là phương châm sống. Hãy yêu thương nhau, chia sẻ tâm tư, tình cảm, giường bệnh, khẩu trang, cái ăn, cái mặc... để chúng ta cùng nhau chiến thắng dịch Covid-19. Trong hoạn nạn, chúng ta cùng nhau nỗ lực vượt qua và đấy là hạnh phúc.

Việt Nam có một mùa lễ hội khác thường và vẫn vui vẻ, hạnh phúc

Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội ở Việt Nam. Hội chùa, hội đền, hội làng... thi nhau nở rộ. Đây cũng là thời điểm có nhiều ngày kỷ niệm như Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 Âm lịch... Những năm trước đây, trên khắp đất nước rộn ràng lời ca, tiếng hát, tiếng trống hội. Năm nay khác hẳn, các lễ hội hạn chế khai trương; đã khai hội rồi thì quy mô hoạt động cũng hạn chế. Vấn đề này có sự thống nhất cao cả từ phía các ban tổ chức, lẫn những người dân tham gia lễ hội. Trước hiểm họa do Covid-19 gây ra, các cơ quan công quyền cũng như người dân đều thống nhất với nhau nghiêm chỉnh áp dụng tất cả các biện pháp phòng, tránh dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.

Việc dễ thấy nhất, ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống xã hội là kỷ nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh, sinh viên kéo dài thêm nhiều tuần. Điều này từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ nên nó cũng gây ra nhiều xáo trộn trong sinh hoạt của các gia đình và xã hội. Các vị phụ huynh buộc phải nỗ lực nhiều hơn để thu xếp cho con, cháu không đến trường mà vẫn vui vẻ, an toàn, sinh hoạt bổ ích ngay tại nhà. Các thầy cô giáo không đến trường, không lên lớp nên cũng phải điều chỉnh sinh hoạt của mình. Các cán bộ, giáo viên của khối trường ngoài công lập còn giải quyết vấn đề không có thu nhập thì sống như thế nào?... Tóm lại, cả xã hội phải có những điều chỉnh quan trọng để phù hợp với việc phóng chống Covid-19.

Vấn đề đặt ra là không có lễ hội, nhiều khoản thu nhập của những người làm du lịch, giao thông vận tải, dịch vụ ăn uống... bị giảm sút nghiêm trọng. Không có tiền, không có niềm vui, không có sự hài lòng... thì làm sao sao để cảm thấy hạnh phúc đây? Câu hỏi này đặt ra cho rất nhiều người, từ Thủ tướng Chính phủ đến chủ quán bia, quán phở.

Trên thực tế, người Việt Nam chúng ta đã có những điều chỉnh quan trọng để thích nghi với tình hình, thu xếp cuộc sống ổn thỏa và cảm nhận được hạnh phúc giữa thời dịch Covid-19 đang hoàn hành khắp nơi trên thế giới. Niềm vui đầu tiên và cũng là hạnh phúc lớn lao là chúng ta đã khống chế và triệt tiêu được mối đe dọa do virus corona gây ra. Dù là nước láng giềng của Trung Quốc, dù có hàng chục ngàn người lao động, học tập ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng đến đầu tháng 3 này, chúng ta chỉ có 16 người nhiễm bệnh. Và thật là vui khi cả 16 người nhiễm bệnh trên đất nước Việt Nam đều đã được chữa khỏi!

Chúng ta vẫn kỷ niệm những ngày lễ theo cách phù hợp với tình hình. Ngày 27 tháng 2 là Ngày Thầy thuốc Việt Nam vẫn được diễn ra theo tinh thần tôn vinh những “Thiên thần áo trắng”. Những hy sinh, vất vả của các y bác sĩ mùa dịch Covid-19 làm cho xã hội kính phục và nể trọng. Dù không có những buổi lễ kỷ niệm hoành tráng, đông vui thì các thầy thuốc vẫn được mọi người chúc mừng, tặng hoa và những lời ca ngợi. Giới trẻ, nhất là sinh viên của các trường Y, trường Dược đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước những hình ảnh về nghĩa cử của đội ngũ y bác sĩ ở vùng tâm dịch. Họ xem những tấm gương dũng cảm, tận tụy với công việc cứu giúp người là động lực để họ vững vàng trên con đường mình đã chọn, vì sức khỏe của bản thân, của những người yêu thương trong gia đình và xã hội. Đây chính là một trong những điều hạnh phúc trong ngày này.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 vẫn có hoa và những lời chúc tốt đẹp cho những người phụ nữ của chúng ta. Tranh thủ lúc nhiều trường học chưa mở cửa trở lại, các gia đình sum họp trong những ngày này để tôn vinh những người bà, người mẹ, người chị, người em. Đây là ngày mà nhân loại không bao giờ quên vì những đóng góp lớn lao của phụ nữ cho hòa bình và sự phát triển thịnh vượng.

Và dù bệnh tật, chết chóc do dịch Covid-19 đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới thì Ngày Quốc tế Hạnh phúc vẫn được đón nhận một cách sâu sắc với nhiều hoạt động có ý nghĩa. Mọi người bảo nhau hãy cảm nhận hạnh phúc theo cách riêng của mình, nhìn nhận cuộc sống theo cách lạc quan nhất có thể. Câu chuyện sinh động về nửa ly nước được nhiều người nhắc lại với cách lập luận là những người bi quan nhìn nửa lý nước và buồn bã nói rằng: “Ly nước đã bị cạn đi một nửa”. Còn những người lạc quan lại vui vẻ nói: “Ly nước vẫn còn đầy một nửa”. Hiện thực chỉ có một nhưng hai cách nhìn nhận khác nhau đã phản ánh thái độ khác nhau trong cuộc sống. Cách nhìn nhận cuộc sống của những người lạc quan sẽ mang đến niềm vui, sẽ tạo ra hạnh phúc trong thời điểm ngặt nghèo, khó khăn của lịch sử.

Không khó để đưa ra dự đoán là tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ bị giảm sút do tác động của dịch Covid-19. Song, trong hoàn cảnh này, việc bảo đảm sức khỏe, sự an toàn của người dân là quan trọng nhất. Nhà nước Việt Nam đang làm tốt điều này. Thậm chí, chúng ta đã nêu một tấm gương về sự chủ động và nghiêm khắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên đã đạt được hiệu quả như mong muốn: Hạn chế sự lây lan, chữa khỏi cho tất cả những người nhiễm bệnh và hi vọng dập tắt dịch trong một ngày gần đây.

Về khía cạnh văn hóa, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam chúng ta đã ghi được những dấu ấn rất sâu đậm. Ca khúc “Ghen cô Vy” đang nhận được sự quan tâm của người hâm mộ của cả trong nước, lẫn trên thế giới. Giới truyền thông của nhiều nước trên thế giới không tiếc lời khen ngợi “Ghen cô Vy” và ra sức phổ biến ca khúc này. Sau khi vũ điệu rửa tay song song với ca khúc Ghen cô Vy được truyền hình của Mỹ phát đi phát lại, đến lượt trang fanpage chính thức của UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã chia sẻ về vũ điệu rửa trên nền ca khúc “Ghen cô Vy”. Họ đã dành những lời khen tặng “có cánh” bởi cách phòng bệnh hiệu quả. Có thể nói, hình như đây là lần đầu tiên một cac khúc của giới nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam được thế giới nồng nhiệt đón nhận và dành cho những lời khen vô cùng xứng đáng. Đây chẳng phải là một hạnh phúc sao?!

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ, chúng ta đã có những phương án phòng, chống hiệu quả. Vậy hãy nỗ lực tạo điều kiện để cuộc sống vẫn diễn ra bình theo với đầy đủ cung bậc của nó, trong đó ưu tiên cho những hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Hạnh phúc là mục tiêu chính mà tất cả mọi người đều hướng tới. Hãy cảm nhận hạnh phúc theo cách riêng của mình và tận hưởng mọi hương vị của Hạnh phúc đích thực.

Tạp chí Văn hoá Nghệ An

Tin cùng chuyên mục