,

Chăn nuôi

Chăn nuôi an toàn, rủi ro thấp hiệu quả cao

Thiệt hại lớn từ các đợt dịch bệnh khiến người chăn nuôi ở Tuyên Quang rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Trang trại bò sữa của Công ty Cổ phần Hồ Toản thực hiện tốt
các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện, toàn tỉnh Tuyên Quang có 100 trang trại chăn nuôi, gồm 1 trang trại đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP, 2 trang trại được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao; 5 trang trại được chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn; 26 cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAHP, an toàn dịch bệnh; 70 HTX chăn nuôi, thủy sản hoạt động với hình thức liên kết; 31 sản phẩm chăn nuôi, thủy sản được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; 3 nhãn hiệu tập thể được duy trì (trâu, vịt Minh Hương, gà Tân Tạo).

Ý thức được vai trò và tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn, nên hầu hết người chăn nuôi theo hướng tập trung ở Tuyên Quang đều đã ý thức nghiêm các quy tắc an toàn dịch bệnh như tiêm phòng định kỳ, khử trùng nghiêm ngặt và hạn chế thấp nhất việc ra vào khu chăn nuôi.

3 năm nay, trang trại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học của gia đình ông Bùi Huy Cường, ở xã Thái Bình, huyện Yên Sơn nói không với dịch bệnh. Hiện, trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của ông Cường có khoảng 400 con lợn đen bản địa. Chăn nuôi lợn an toàn sinh học, ông Cường đặc biệt áp dụng nguyên tắc "3 không" là: Không sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn cho lợn; không sử dụng chất kháng sinh, chất tạo nạc; không gây ô nhiễm môi trường chung.

Ông Cường cho biết, nếu không kiểm soát tốt việc đảm bảo an toàn dịch bệnh thì giai đoạn hiện nay người chăn nuôi sẽ đối diện với rất nhiều rủi ro. Ngoài vấn đề thức ăn chăn nuôi tăng, giá vật nuôi xuống thấp lại việc để xảy ra dịch bệnh sẽ khiến người chăn nuôi chật vật.

Ý thức phòng chống dịch bệnh được các hộ chăn nuôi, nhất là hộ chăn nuôi
quy mô lớn ở Tuyên Quang chú trọng. Ảnh: Đào Thanh.

Trang trại của gia đình chị Tạ Thị Kiều, thôn Đồng Tậu, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương vừa xuất chuồng 100 con lợn hơi. Ngay sau khi xuất bán đàn lợn chị Kiều đã thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của gia đình mình bằng hóa chất và vôi bột để khử khuẩn. 

Chị Kiều cho biết, sau 1 chu kỳ nuôi, chuồng nuôi có thể xuất hiện các loài nấm hoặc mầm bệnh gây hại cho vật nuôi do đó khâu tiêu độc, khử trùng vệ sinh chuồng trại rất quan trọng, đảm bảo chuồng sạch bệnh sẵn sàng vào đợt giống mới.

Năm nay, giá lợn thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên gia đình chị Kiều không tái đàn ồ ạt mà trước mắt chỉ nuôi khoảng 50 con. Chị Kiều chọn mua lợn giống tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để bảo đảm con giống khỏe, không có mầm bệnh. Trong quá trình nuôi lợn, chị thực hiện nghiêm quy trình tiêm phòng định kỳ các loại bệnh dễ gặp để hạn chế tối đa rủi ro có thể gây ra cho đàn vật nuôi.

Đồng hành cùng người chăn nuôi, Chi cục luôn bám sát với các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi các giai đoạn dễ phát sinh dịch bệnh, nếu có dịch bệnh mới kịp thời đồng hành cùng bà con để có biện pháp xử lý và dập dịch tốt nhất.

Chi cục cũng đã phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hàng năm; khuyến khích xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh; khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, hoặc giết mổ, chế biến gắn với chăn nuôi phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cho biết, hiện nay việc đảm bảo công tác chăn nuôi an toàn dịch bệnh đã được người chăn nuôi thực hiện tốt hơn, bởi nếu không làm tốt vấn đề này thì người thiệt hại là trực tiếp hộ chăn nuôi, nhất là những hộ nuôi quy mô lớn.

Để phòng chống dịch cúm gia cầm thủy cầm trong giai đoạn chuyển mùa, đến nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang đã cung ứng cho 7 huyện, thành phố 200.000 liều vacxin để thực hiện chiến dịch tiêm phòng cúm gia cầm cho đàn gia cầm, thủy cầm.

Đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đưa ra khuyến cáo khuyến cáo người chăn nuôi cần tuân thủ tốt các quy trình tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, đặc biệt là trong những giai đoạn giao mùa như: Sử dụng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng để phun, khử trùng chuồng trại...

Về con giống, đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần tìm hiểu các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục