,

Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, hướng phát triển kinh tế bền vững ở xã Phú Bình

Từ phát huy những lợi thế sẵn có của địa phương như điều kiện khí hậu, đất đai, thời gian qua, việc chăn nuôi gia súc đã giúp nhiều hộ dân ở xã Phú Bình có nguồn thu nhập ổn định.

Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn xã có tổng đàn trâu trên 1.300 con; đàn bò trên 230 con; đàn lợn trên 2.100 con và đàn dê trên 1.200 con, trong đó các hộ chăn nuôi với số lượng lớn chủ yếu tập trung ở một số thôn: Nà Bó, Nà Lang, Yên Bình, Bản Ho, Khun Vai, Bó Héo,… tổng sản lượng thịt hơi từ trâu, bò, dê toàn xã mỗi năm đạt hàng trăm tấn. Điều này cho thấy việc chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã Phú Bình đang từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình có hộ gia đình ông Lý Văn Dũng, thôn Yên Bình đầu tư chăn nuôi trâu vỗ béo có quy mô từ 15 đến 20 con/lứa; gia đình ông Hà Thế Anh, thôn Nà Bó luôn duy trì chăn nuôi dê trên 100 con/lứa... Bà Đinh Thị Xuân, thôn Khun Vai chia sẻ: từ năm 2016 đến nay, cùng với việc tập trung sản xuất lúa, ngô; cây sơn và trồng rừng, gia đình bà còn đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. Hiện tại, gia đình bà luôn duy trì 04 con trâu mẹ và 03 - 05 nghé con.

Bà Đinh Thị Xuân, thôn Khun Vai, xã Phú Bình chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Để đạt được mục tiêu phát triển chăn nuôi đại gia súc lên đến 4.000 con, nâng mức thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm vào năm 2025, xã Phú Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các chính sách của tỉnh như Nghị quyết số 10; Nghị quyết số 12 về phát triển kinh tế trang trại, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 41 quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2020 và các cơ chế, chính sách của huyện; tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận từ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức Hội, đoàn thể ở địa phương để đầu tư vào chăn nuôi. Bà Hà Thị Bích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình cho biết: hiện nay tổ chức Hội đang quản lý nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện và Agribank chi nhánh Chiêm Hóa với tổng dư nợ trên 07 tỷ đồng, trong đó chủ yếu được người dân đầu tư vào sản xuất Nông, Lâm, Ngư nghiệp và chăn nuôi.

Ông Lương Xuân Bình, thôn Khun Vai, xã Phú Bình tập trung phát triển chăn nuôi dê thương phẩm.

Để đảm bảo người dân phát triển chăn nuôi gia súc đạt giá trị kinh tế cao, trong thời gian tới xã Phú Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi; hướng người dân đầu tư chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, đặc biệt chú trọng việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cũng như lựa chọn con giống tốt để duy trì và phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn xã./.

Cổng thông tin điện tử huyện Chiêm Hóa

Tin cùng chuyên mục