,

Chăn nuôi

Mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Thái Long

Không nuôi lươn ở ruộng như cách truyền thống, anh Nguyễn Văn Hiển, ở thôn Hòa Mục, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) làm bể nuôi lươn ngay tại nhà. Độc đáo là những bể nuôi lươn của anh được làm từ những tấm bạt dứa. Bên trong chỉ có nước chứ không có bùn. Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Hiển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế của địa phương.

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Hiển

Nhiều năm trước đây, anh Nguyễn Văn Hiển là hộ chủ yếu chăn nuôi lợn. Nhưng do giá cả bấp bênh, dịch bệnh khó kiểm soát, anh quyết định tìm hướng đi khác để phát triển kinh tế gia đình. Tình cờ qua mạng xã hội, anh biết đến mô hình nuôi lươn không bùn đang phát triển mạnh ở các tỉnh miền Nam. Qua tìm hiểu và nghiên cứu, anh thấy mô hình rất mới lạ, chi phí đầu tư không quá cao, lại cho thu nhập tốt, có thể tận dụng thời gian rảnh để làm, anh Hiển quyết định thử nghiệm cải tạo một phần chuồng nuôi lợn và chuyển sang nuôi lươn không bùn.

Vào năm 2019 – 2020, anh bắt đầu thực hiện nuôi lươn, lúc đầu nguồn giống chủ yếu là anh tự bắt và mua của bà con tại địa phương để mang về nuôi, thành phẩm chủ yếu là nuôi để phục vụ nhu cầu của gia đình và tích lũy thêm kinh nghiệm nuôi. Sau quá trình nuôi thử nghiệm anh nhận thấy: Nguồn con giống lấy từ đồng về không đồng đều, chất lượng không được kiểm soát, tỉ lệ sống chưa cao...thức ăn hàng ngày là cá, ốc được xay nhuyễn, khi gặp môi trường nước rất rễ tan, gây ra tình trạng lãng phí thức ăn và ô nhiễm nước nên phải thay nước thường xuyên...

 Năm 2021, sau khi nắm vững được kỹ thuật nuôi anh thực hiện nuôi với 3 ô chuồng, mỗi ô rộng 4m2, anh Hiển thả khoảng 4.500 con lươn giống. Sau 8 tháng nuôi, trọng lượng trung bình mỗi con được 200 gam, lươn được xuất bán với mức giá bao tiêu tại chỗ dao động từ 180 - 250 nghìn đồng/kg, anh xuất bán 2.500 con, còn để lại 2.000 con lươn giống. Trừ mọi chi phí anh Hiển thu về 40 triệu đồng/3 ô nuôi. Anh Hiển cho biết: Quá trình nuôi, anh lót bạt vào trong bể nuôi lươn và làm giá thể cho lươn trú ẩn, mực nước trong bể nuôi luôn phải đạt 25 - 30cm. Vì lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn nên anh Hiển đã tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể dây nilon đen, anh cho lươn ăn các loại cá tạp và ốc bươu vàng xay nhuyễn, trùn quế, cám chuyên dùng cho cá da trơn. Hàng ngày cho lươn ăn 2 lần sáng và chiều, khi cho lươn ăn xong nhẹ nhàng hạn chế xem lươn tránh làm ảnh hưởng đến lươn. Quá trình nuôi lươn anh Hiển định kỳ phòng bệnh cho lươn thường xuyên.

Thấy có hiệu quả anh Hiển tiếp tục đầu tư mua thêm 6.000 con lươn giống tại trại giống tỉnh Thái Bình về nuôi với giá 6.000 đồng một con. Anh phát triển lứa lươn thứ 2 với số lượng 8.000 con trong đó 6.000 con lươn thương phẩm và 2.000 con lươn sinh sản nuôi trong 10 ô chuồng, mỗi ô rộng 4 - 6 m2. Anh Hiển cho biết: Thời gian bắt đầu thả giống vào khoảng tháng 11 và tháng 12 âm lịch, đến tháng 1 - 2 năm sau lươn sẽ đẻ, thời gian này anh tiến hành làm hệ thống phun mưa nhân tạo để kích thích lươn đẻ tập trung. Anh Hiển chia sẻ dự kiến năm 2023 sẽ sản xuất ra 2-3 vạn con lươn giống để nuôi thương phẩm và cung ứng giống lươn đảm bảo cho bà con trong và ngoài xã, duy trì thường xuyên lượng lươn thương phẩm cung ứng cho một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố.

Sau 2 năm thử nghiệm nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt theo hướng công nghệ cao trên mật độ dày kết hợp treo giá thể, anh Hiển đánh giá đây là mô hình có nhiều tiềm năng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Đánh giá về mô hình nuôi lươn không bùn của anh Hiển, anh Phan Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Long cho biết: Anh Hiển là một thanh niên dám nghĩ, dám làm, biết vượt khó để vươn lên. Thành công của anh Hiển không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần ham học hỏi đối với nhiều người dân trong xã, góp phần vào việc tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn của anh Hiển cho nhiều người dân khác học tập làm theo./.

Trần Thị Hải Tuyên - TTKN

Tin cùng chuyên mục