,

Chăn nuôi

Mở rộng nghiên cứu vacxin dịch tả lợn châu Phi trên lợn nái, lợn con

Phấn khởi với những gì đã đạt được trong quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm vacxin, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các đơn vị chưa nên dừng ở kết quả hiện tại.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại phiên họp ngày 21/4. Ảnh: Đức Minh.

Ngày 21/4, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã làm việc với Cục Thú y cùng các đơn vị liên quan về hồ sơ vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Nhận định việc công bố vacxin DTLCP là một bước ngoặt lớn không chỉ đối với riêng ngành chăn nuôi trong nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng với trường thế giới, Thứ trưởng yêu cầu cả đơn vị sản xuất lẫn đơn vị khảo nghiệm, kiểm nghiệm, và các cơ quan quản lý phải lưu đầy đủ hồ sơ. Đồng thời, tham chiếu với nền thú y thế giới để làm rõ định mức tiêu chuẩn, quy chuẩn của vacxin.

“Sản xuất thương mại vacxin DTLCP có ý nghĩa to lớn, đòi hỏi cách làm bài bản về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn”, Thứ trưởng nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Chính phủ rất phấn khởi về triển vọng cũng như tiến độ sản xuất thương mại vacxin DTLCP. Những công đoạn khó nhất của quá trình này Việt Nam đã vượt qua, như: xác định được chủng virus phân lập từ thực địa, tìm ra môi trường sinh học phù hợp để virus có thể thích ứng, nhân lên với số lượng lớn…

Dựa vào trình tự gen mã hóa cho protein P72, virus DTLCP được chia thành 23 dòng, và rất đa dạng về độc lực, tính kháng nguyên, đặc điểm di truyền… Protein P72 cũng là căn cứ xét nghiệm của một số bộ kit, giúp phát hiện lợn nhiễm virus DTLCP.

Vấn đề này được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý doanh nghiệp sản xuất vacxin. Do Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) chưa có hướng dẫn cụ thể về vacxin DTLCP, việc xác định kháng thể tự nhiên và kháng thể do virus còn khó khăn. 

"Sản xuất vacxin DTLCP phải tính đến khả năng xuất khẩu ra nước ngoài, phải lường trước yêu cầu về bộ kit xét nghiệm đạt chuẩn của đối tác", Thứ trưởng gợi mở.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra tình hình nghiên cứu, sản xuất vacxin tại Công ty Dabaco. Ảnh: Bảo Thắng.

DTLCP bùng phát ở Việt Nam vào năm 2019, sau 7 tháng lan ra 63 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại ước tính 30.000 tỷ đồng. Sản lượng thịt lợn giảm, giá thịt lợn tăng có lúc lên tới hơn 100.000 đ/kg. Trước tình hình đó, 3 công ty gồm: Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH AVAC Việt Nam đã nghiên cứu vacxin DTLCP. 

Kết quả khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm của cả ba công ty khả quan. Dựa trên tình hình khảo sát thực tế tại 3 đơn vị này, Cục Thú y dự báo rằng, vacxin phòng DTLCP đủ khả năng công bố trong năm nay, thậm chí là trong Quý II/2022.

Vui mừng về điều này, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin rằng, một số quốc gia yêu cầu nghiêm ngặt về tiêm vacxin, thậm chí chỉ rõ đối tượng tiêm là trên sản phẩm thương mại, hay từ quá trình thụ tinh, phôi. Do đó, để có một sản phẩm toàn diện, thích ứng đa dạng với nhiều thị trường, ông đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thương mại vacxin phải mở rộng đối tượng nghiên cứu sang cả lợn nái, lợn con; thay vì tập trung hoàn toàn vào lợn thịt.

"Chúng ta cần nắm chắc đặc điểm dịch tễ, trước khi đề ra phương án phòng chống dịch, sản xuất vacxin, cũng như xử lý các vấn đề hậu kiểm. Bộ NN-PTNT khẳng định, chỉ công bố vacxin phòng DTLCP khi đáp ứng đủ điều kiện", Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Ông Trần Xuân Hạnh, Phó TGĐ Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO cho biết, công ty đã trang bị đầy đủ vật tư, thiết bị để sản xuất vacxin phòng DTLCP ngay khi có giấy phép.

Làm chủ công nghệ, dây chuyền sản xuất vacxin DTLCP, nhưng lãnh đạo NAVETCO cho rằng công đoạn giám sát sau tiêm phòng cần được theo dõi chặt chẽ. "Đây là loại vacxin mới, chúng ta cần lường trước nhiều kịch bản ứng phó", ông Hạnh chia sẻ. 

Để giải quyết, Phó TGĐ Hạnh kiến nghị Cục Thú y giao đầu mối liên hệ trực tiếp đến Chi cục Thú y  cấp vùng, hoặc Chi cục Thú y cấp tỉnh bởi đây là những đơn vị trực tiếp đưa vacxin đến bà con nông dân. NAVETCO cam kết phối hợp chặt chẽ với hệ thống thú y để triển khai tiêm vacxin DTLCP trên diện rộng thời gian tới.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục