,

Lâm nghiệp

Phấn đấu trồng cây xanh cao hơn 20% so với năm 2021

Kế thừa những kết quả ngành lâm nghiệp đạt được trong năm 2021, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phát động các tổ chức, cá nhân hưởng ứng 'Tết trồng cây'.

Ngày 30/12, Bộ NN-PTNT ban hành Chỉ thị số 9095/CT-BNN-TCLN về việc tổ chức phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp Xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022. Trong đó, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương chỉ đạo 8 việc.


Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp có nhiều chính sách khuyến khích
các tổ chức, cá nhân trồng cây, gây rừng. Ảnh: NNVN.

Một, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Hai, phát động “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, bảo đảm các quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; phấn đấu chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn ít nhất 20% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Thời điểm tổ chức phát động“Tết trồng cây” với các tỉnh phía Bắc là đầu xuân năm mới, với các tỉnh phía Nam là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5). Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về Bộ NN-PTNT.

Ba, xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 5/8/2021 và Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bốn, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ và các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp. Trong đó, Bộ NN-PTNT đề nghị tập trung quản lý diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, địa phương được đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Năm, kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các ban quản lý rừng, công ty, doanh nghiệp, UBND cấp xã quản lý; đẩy nhanh quá trình đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các ban quản lý rừng, công ty và các chủ rừng, đóng mốc ranh giới; xử lý dứt điểm các diện tích rừng chồng lấn.

Sáu, kiểm tra, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng (đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý hiếm), các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Bảy, rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.

Tám, chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng.

Năm 2021, dù có nhiều diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân, nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 260.000 ha rừng trồng tập trung và 100 triệu cây phân tán. Nhờ nguồn cung này, công nghiệp chế biến gỗ được đảm bảo với sản lượng trên 32 triệu m3 gỗ/năm.

Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.100 tỷ đồng, là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành; giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, vượt 20% so với kế hoạch năm và tăng 21% so với năm 2021.

Trên cơ sở thành công đã đạt được, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị vừa ban hành.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục