,

Lâm nghiệp

Tân Long Giảm nghèo bền vững từ kinh tế rừng

Là những địa phương đi đầu trong công tác trồng rừng trên địa bàn huyện, đồng thời xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, xã Tân Long đã tập trung quản lý hiệu quả diện tích đất đồi rừng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển các giống cây có giá trị kinh tế cao, gắn công tác bảo vệ và phát triển rừng với công tác giảm nghèo bền vững. Từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Gia đình bà Trương Thị Lợi ở thôn Đình Quải, trước đây cũng giống như bao gia đình thuần nông khác ở xã Tân Long chỉ thâm canh các loại cây lúa, cây ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống cũng chỉ đủ ăn, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Nhận thấy cây keo có giá trị kinh tế và phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của địa phương nên gia đình đã tận dụng nguồn đất sẵn có quyết tâm làm giàu từ cây trồng này.

Bà Trương Thị Lợi chia sẻ: Sau hơn 20 năm phát triển kinh tế rừng đến nay, gia đình bà trở thành một trong những hộ trồng keo lớn nhất của xã với 24 ha, đặc biệt từ năm 2018, gia đình bà đã được hỗ trợ cây giống chất lượng cao theo nghị quyết 03 của HĐND tỉnh với quy mô hơn 10ha. Những diện tích này hiện cây đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, ít sâu bệnh.

Diện tích rừng trồng giống chất lượng cao theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh của gia đình bà Trương Thị Lợi

Nhận thấy giá trị kinh tế từ việc trồng rừng, những năm qua người dân xã Tân Long đã đẩy mạnh trồng rừng theo các chương trình, dự án của Nhà nước. Hiện nay toàn xã có hơn 2000ha rừng trồng, tập trung vào các loại cây keo, quế, tre... Đối với cây Keo mỗi năm trung bình xã có trên 50 ha được cấp cây giống chất lượng cao theo nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, từ năm 2018 đến nay là trên 200 ha.

Bà Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân vừa bảo vệ tốt diện tích rừng trồng trước đó và thực hiện trồng rừng mới mỗi năm sau khai thác và phân tán, phát triển diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn cách trồng, chăm sóc rừng. Lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, vật tư phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Tân Long tập trung phát triển các cây trồng có lợi thế ở địa phương như cây keo, quế, tre...

Nhờ phát triển kinh tế lâm nghiệp từ nhiều năm nay đời sống của người dân được nâng cao, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Kinh tế khởi sắc, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước nâng lên. Do vậy, những năm gần đây Tân Long luôn được huyện lựa chọn là xã điển hình trong phát triển kinh tế rừng để các địa phương khác đến tham quan, học tập./

Cổng thông tin điện tử huyện Yên Sơn

Tin cùng chuyên mục