,

Thủy sản

Nuôi cá lồng theo chuỗi liên kết

Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ, những năm qua, nghề nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tiềm năng lớn phát triển nghề nuôi cá lồng

Tỉnh có mạng lưới sông, suối khá dày đặc và phân bố tương đối đều tại các huyện, thành phố với trên 12.000 ha mặt nước có khả năng nuôi thủy sản, trong đó có trên 8.000 ha mặt nước hồ thủy điện. Đặc biệt, thiên nhiên đã ban tặng cho Tuyên Quang khu hệ cá trên sông phong phú và đa dạng, trong đó có các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Dầm xanh, Anh vũ, Chiên, Lăng, Bỗng...

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.255 lồng cá, trong đó trên hồ thủy điện 1.700 lồng, trên sông 555 lồng (trong đó số lồng nuôi cá đặc sản, cá chủ lực chiếm 50% tổng số lồng). Sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 10.091 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản đạt 854 tấn.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh triển khai nuôi cá lồng trên lòng hồ. Ngoài việc lựa chọn con giống phù hợp, bà con còn được hướng dẫn từ khi xây dựng các lồng bè làm sao tránh được bão lũ, đến sử dụng thức ăn dinh dưỡng theo từng lứa tuổi, trọng lượng cá, kỹ thuật làm sạch môi trường lồng nuôi, cũng như hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu quả cao nhất. Nhờ liên kết, đầu vào có nguồn giống chất lượng, đầu ra tiêu thụ ổn định đã mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân.

Người dân Na Hang phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng trên Hồ sinh thái Na Hang.

Bà Phạm Thị Hoài, Giám đốc HTX Thủy sản Làng Chài, thị trấn Na Hang cho biết, HTX hiện có 7 thành viên với gần 200 lồng cá, sản lượng gần 200 tấn/năm, trong đó nuôi cá lăng là chủ yếu. Đầu ra tương đối ổn định, thị trường tiêu thụ chính ở Hà Nội. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá trị kinh tế đạt thấp, năm nay, giá bán đạt 100.000 - 120.000 đồng/kg, trừ chi phí, người nuôi còn lãi 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Giải pháp nâng cao hiệu quả

Đến năm 2021, Tuyên Quang có 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP; có 2 cơ sở được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện và các sông, suối trên địa bàn; duy trì số lượng lồng nuôi cá hiện có, dần hình thành và phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy điện theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP với các loại lồng nuôi có kích thước lớn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; tăng diện tích nuôi và tỷ lệ lồng nuôi các loài cá bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao; nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các loại cá thông thường.

Nghề nuôi cá lồng trên Hồ sinh thái Na Hang đang trở thành hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Vi Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy sản Nhật Nam (TP Tuyên Quang) cho rằng, để ngành Thủy sản phát triển bền vững hơn nữa, các địa phương cần lựa chọn và xác định một số sản phẩm thủy sản chủ lực, có ưu thế cạnh tranh để tổ chức sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu bền vững cho sản phẩm. Cùng với đó, người nuôi cá lồng phải xây dựng được chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp làm đầu mối tổ chức sản xuất theo kế hoạch và thực hiện việc bao tiêu sản phẩm để ổn định thị trường, giá thành sản phẩm trong nội tỉnh trước khi đưa ra thị trường khác.

Thời gian tới, để nghề cá lồng trên sông, hồ mang lại hiệu quả cao, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tập huấn cho nông dân quy trình nuôi cá lồng trên sông, hồ theo hướng VietGAP; đa dạng hóa các loại cá nuôi, hướng vào các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nhân dân. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ.   

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục