,

Bộ trưởng BNN&PTNT

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải cảm thấy đang có lỗi với người dân khi có tiền mà không tiêu được

Bộ trưởng cho rằng cần phải cảm thấy xót xa, day dứt và có suy nghĩ các dự án chậm ngày nào là bà con nông dân không có đường nước để tưới tiêu, sản xuất còn khó khăn ngày ấy.

Ngày 24/3, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Giao ban công tác quản lý đầu tư xây dựng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo báo cáo thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 các dự án do Bộ NN-PTNT quản lý, kế hoạch vốn năm 2023 là 9.852 tỷ đồng và 1.614 tỷ đồng đề nghị kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện của Cục Quản lý Xây dựng Công trình (Bộ NN-PTNT), hiện còn 10 dự án chuyển tiếp từ trung hạn trước đang tiếp tục được triển khai trong năm 2023. Trong đó có 5 dự án lớn, nhiều khối lượng.

Cụ thể là dự án hồ Cánh Tạng (Hòa Bình), hồ Bản Mồng (Nghệ An) chưa được Thủ tướng Chính phủ thông qua thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Tại dự án hồ Krông Pách thượng (Đắk Lắk), khối lượng di dân lớn, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Dự án hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu 1 (Nghệ An) hiện đang vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.

Dự án hồ Sông Chò 1 (Khánh Hòa) sẽ tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch và sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải cảm thấy xót xa, day dứt và có suy nghĩ các dự án chậm ngày nào là bà con nông dân không có đường nước để tưới tiêu, sản xuất còn khó khăn ngày ấy. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng Công trình cho biết, vốn năm 2023 đã được bố trí cho các dự án này là tổng cộng 975 tỷ đồng. Nếu các khó khăn, vướng mắc trên được tháo gỡ, tỉ lệ giải ngân sẽ ước đạt 100%.

“Đối với các dự án chuyển tiếp này, Bộ NN-PTNT và các đơn vị đang quyết tâm giúp các chủ đầu tư tháo gỡ những khó khăn. Các đơn vị, chủ đầu tư cũng cần cam kết có trách nhiệm triển khai, thực hiện tốt khối lượng công việc còn lại”, ông Nguyễn Hải Thanh lưu ý.

Về kế hoạch giải ngân năm 2023, Cục Quản lý Xây dựng Công trình cho biết, khả năng giải ngân cả Bộ NN-PTNT chỉ đạt khoảng 92,8%. Trong đó, vốn trong nước khả năng đạt 97,8% do rủi ro ở dự án “Xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành NN-PTNT” thuộc chương trình phục hồi kinh tế, xã hội.

Dự án ODA tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 73,6% do rủi ro ở các dự án Jica 3 (khả năng giải ngân 314/584 tỷ đồng), các dự án Ban CPO Lâm nghiệp (khả năng giải ngân 145/239 tỷ đồng), các trường cao đẳng (khả năng giải ngân 97/127 tỷ đồng).

Theo đó, đối với các dự án đã phê duyệt, Cục Quản lý Xây dựng Công trình sẽ tập trung tối đa để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế bản vẽ, bản vẽ thi công, sớm tổ chức đấu thầu, khởi công dự án trong năm 2023.

Đối với các dự án chưa được phê duyệt, Cục sẽ cùng các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án. Đồng thời rà soát, báo cáo Bộ trưởng dừng thực hiện các dự án không đủ điều kiện phê duyệt.

Đối với các dự án đã khởi công, Cục sẽ thường xuyên họp giao ban rà soát, đôn đốc tiến độ, sớm đưa ra dự báo, nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân cao.

Kế hoạch vốn năm 2023 là 9.852 tỷ đồng và 1.614 tỷ đồng đề nghị kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chia sẻ với các đơn vị đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giải ngân là công việc chúng ta bắt buộc phải làm nhưng cần phải xác định mục đích cuối cùng trong công việc không phải là áp lực về giải ngân.

Bộ trưởng cho rằng cần phải cảm thấy xót xa, day dứt và có suy nghĩ các dự án chậm ngày nào là bà con nông dân không có đường nước để tưới tiêu, sản xuất còn khó khăn ngày ấy. Công tác giải ngân chỉ là điều kiện để các công trình hướng tới mục tiêu phát huy giá trị cho cộng đồng, cho người dân, cho xã hội.

“Cần phải cảm thấy đang có lỗi với người dân khi có tiền mà không tiêu được, có tiền mà không đưa các công trình vào phục vụ dân sinh. Giá trị không nằm ở nguồn vốn được phân bổ mà nằm ở trong mỗi công việc mình làm”, tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ.

Đối với các dự án ODA, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ đó không chỉ là nguồn tiền mà là sự cam kết với các tổ chức quốc tế, là hình ảnh của quốc gia.

 

Cục Quản lý Xây dựng Công trình kiến nghị các Cục, Tổng cục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt các dự án trước 30/6/2023 theo Nghị quyết của Ban Cán sự.

Theo đó, Vụ Kế hoạch, Cục Quản lý Xây dựng Công trình và các Cục sẽ rà soát báo cáo Bộ khẳng định các dự án dừng thực hiện đầu tư theo Nghị quyết Ban Cán sự. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh vốn trung hạn 2021 - 2025 do một số dự án được bố trí vốn trong 2 trung hạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 nhưng thực tế có thể hoàn thành ngay trong trung hạn này, trong khi nhiều dự án không thể giải ngân được vốn trong trung hạn này.

Cục Quản lý Xây dựng Công trình cũng kiến nghị sớm ban hành quy chế về quản lý các dự án ODA.

Cục Quản lý Xây dựng Công trình kiến nghị các Cục, Tổng cục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt các dự án trước 30/6/2023 theo Nghị quyết của Ban Cán sự.

Theo đó, Vụ Kế hoạch, Cục Quản lý Xây dựng Công trình và các Cục sẽ rà soát báo cáo Bộ khẳng định các dự án dừng thực hiện đầu tư theo Nghị quyết Ban Cán sự. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh vốn trung hạn 2021 - 2025 do một số dự án được bố trí vốn trong 2 trung hạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 nhưng thực tế có thể hoàn thành ngay trong trung hạn này, trong khi nhiều dự án không thể giải ngân được vốn trong trung hạn này.

Cục Quản lý Xây dựng Công trình cũng kiến nghị sớm ban hành quy chế về quản lý các dự án ODA.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục