,

Chuyển đổi số

Phát động thi đua chuyển đối số - Năm dữ liệu số tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ngày 18-4, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động thi đua chuyển đổi số - Năm dữ liệu số Tuyên Quang năm 2023.

Dự lễ phát động có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành, các huyện, thành phố dự phát động thi đua. Ảnh: Thành Công

Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, 100% các trung tâm xã, 95% thôn, bản, tổ dân phố phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng băng thông rộng cáp quang; khoảng 75% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 1.871 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập với 10.257 thành viên hỗ trợ người dân tiếp cận và thích ứng với xã hội số, cuộc sống số. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, đầu tư 167 điểm cầu, kết nối các điểm cầu từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh.

Tỉnh đã cung cấp 1.876 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, 6/6 cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bấm nút ra mắt ứng dụng Tuyên Quang ID. Ảnh: Thành Công

Tại lễ phát động đã ra mắt ứng dụng Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang (Tuyên Quang ID) nhằm nâng cao năng lực hoạt động, cung cấp dịch vụ nghiệp vụ của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với công dân, doanh nghiệp; thiết lập kênh tương tác đa chiều giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả. Từ đó, tăng cường mối quan hệ, liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong công tác giám sát cũng như xây dựng và phát triển tỉnh Tuyên Quang và đẩy mạnh quá trình sử dụng dịch vụ công của tỉnh.

Phát động thi đua chuyển đổi số, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh ta "đi sau” nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng” rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác. Để làm được điều này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của chuyển đổi số với các nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương. Ảnh: Thành Công

Các cơ quan, đơn vị phải không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các tiêu chí và chỉ tiêu thi đua đã đề ra tại Kế hoạch phát động phong trào thi đua chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch phát động đợt thi đua chuyển đổi số - Năm Dữ liệu số tỉnh Tuyên Quang năm 2023 của tỉnh nhằm nâng thứ hạng của tỉnh Tuyên Quang trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số, phấn đấu năm 2023 đứng vị trí thứ 35 của cả nước.

Các sở, ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số; thúc đẩy xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến các ngành ký giao ước thi đua chuyển đổi số. Ảnh: Thành Công

Về hạ tầng số, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của tỉnh; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về các nội dung và kỹ năng trong chuyển đổi số. Các sở, ngành, địa phương cần tổ chức các phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nhằm thu hút, tập hợp sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số...

UBND tỉnh đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ xây dựng chính quyền số (DTI) năm 2022 tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Giá trị xếp hạng DTI năm 2022 các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh

- Đơn vị có tổng điểm cao nhất: Sở Tư pháp 354.74 điểm

- Đơn vị có tổng điểm thấp nhất: Ban Dân tộc: 275.42 điểm

- Giá trị xếp hàng DTI năm 2022 của các huyện, thành phố

Tổng điểm cao nhất: Thành phố Tuyên Quang 427,99 điểm

Tổng điểm thấp nhất: Chiêm Hóa 287,51 điểm

Xã, phường, thị trấn có số điểm cao nhất: Tràng Đà (TP Tuyên Quang).

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục