,

Trong ngành

Ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quý I

3 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là hoạt động xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 14,4% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp cần thẳng thắn nhìn nhận
những tồn tại, hạn chế trong Quý I năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

 

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm

Tại cuộc họp giao ban Quý I năm 2023 của Bộ NN-PTNT ngày 30/3, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 3 tháng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản đạt 5,73 tỷ USD, tăng 3,8%; lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%; chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%...

Về thị trường xuất khẩu, 3 tháng đầu năm 2023, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 48,8% thị phần, châu Mỹ 20,3%, châu Âu 12,8%, châu Đại Dương 1,4% và châu Phi 1,2%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh khoa học công nghệ gắn liền
với từng lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).

Về nhập khẩu, tính chung 3 tháng, nhiều sản phẩm nhập khẩu cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu nhóm nông sản đạt 5,82 tỷ USD, giảm 10,3%; nhóm hàng thủy sản đạt 708 triệu USD, tăng 30%; nhóm lâm sản đạt 513 triệu USD, giảm 25,4%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 741 tỷ USD, tăng 1,5%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 1,64 tỷ USD, giảm 3,9%.

Về thị trường nhập khẩu, khu vực châu Á chiếm 29,3% thị phần nhập khẩu của Việt Nam, châu Mỹ chiếm 25,5%, châu Đại Dương chiếm 7,1%, châu Âu chiếm 4,0% và châu Phi chiếm 2,9%. Brazil, Argentina, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023 với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu lần lượt là 9,9%; 8% và 6,7%.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, năm 2023 được dự báo sẽ có hạn hán ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên; khu vực Đồng bằng sông Hồng sẽ thiếu nước để phục vụ cho công tác tưới dưỡng lúa... Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, qua 3 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được ổn định. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là việc tốc độ tăng trưởng toàn ngành chưa đạt so với kịch bản, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm.

“Những vấn đề đó chúng ta đã dự báo ngay từ cuối năm 2022. Khi thị phần của thị trường bị thu hẹp lại, giá cả sẽ giảm xuống, đó là quy luật không thể tránh khỏi”, Bộ trưởng nói.

Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tuy không thể thay đổi quy luật thị trường nhưng có thể mở biên độ nguồn cung trong giới hạn, giải phóng năng lực của ngành trong chừng mực.

Cụ thể, các đơn vị cần coi trọng thị trường trong nước, đồng thời tăng cường mạnh mẽ công tác đàm phán, kết nối thị trường quốc tế trong cả ngắn và dài hạn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khơi thông những ách tắc đang tồn tại ở các cửa khẩu bằng nhiều biện pháp, trong đó cần tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, cần đặc biệt lưu ý đến số vụ cháy rừng tăng cao bất thường trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sẵn sàng phương án đảm bảo sản xuất

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 253ha, tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 71,4ha, tăng gấp 7,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị nhận định, thời gian qua, số vụ cháy rừng đã tăng cao bất thường, trong khi chỉ cần 1 vụ cháy rừng cũng có thể gây thiệt hại hàng nghìn ha rừng.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp nhận định tình hình và có những công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, dự báo, cảnh báo để các chủ rừng thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian tới, đặc biệt vào thời điểm dễ xảy ra những vụ cháy rừng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, 3 tháng đầu năm, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam và các địa phương hoàn thành kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ. Đồng thời chỉ đạo thường xuyên theo dõi nguồn nước, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

“Năm 2023 được dự báo sẽ có hạn hán ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên; khu vực Đồng bằng sông Hồng sẽ thiếu nước để phục vụ cho công tác tưới dưỡng lúa; xuất hiện tranh chấp mặn ngọt tại ĐBSCL. Đây đều là những vấn đề lớn và Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tính toán, triển khai công việc phù hợp từ nay đến cuối năm”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Quý II năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,9 - 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD. Ảnh: TL.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, để nâng cao năng lực của từng ngành, từng lĩnh vực trong nông nghiệp, cần phải tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, qua đó tạo dựng được môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tiến cho rằng, khoa học công nghệ liên quan đến tất cả các ngành lĩnh vực trong nông nghiệp. Chính vì vậy, nếu muốn chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, khoa học công nghệ phải gắn liền với thị trường. Sản phẩm, giá trị của chuỗi ngành hàng phải là “đề bài” của các nghiên cứu khoa học.

“Sơ chế, chế biến trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… phải hướng đến kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên hiện nay năng lực chế biến còn hạn chế. Thế nên phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng. Có như vậy mới hướng tới sản xuất hàng hóa lớn và tận dụng được hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Quý I năm 2023, tốc độ tăng trưởng toàn ngành chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm, thặng dư thương mại giảm so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.

Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường, trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới cho năm 2023.

Quý II năm 2023, thị trường thế giới được dự báo tiếp tục có biến động và chịu ảnh hưởng của các yếu tố cạnh tranh kinh tế, địa chính trị, xung đột quân sự.

Trung Quốc sẽ mở cửa thông quan hàng hóa nhưng cũng mở rộng diện tích sầu riêng, thanh long... để chủ động nguồn cung. Trong khi đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Trung Quốc.

Trong nước, các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại nông sản sắp vào vụ thu hoạch. Giá lương thực thực phẩm dự báo ở mức khá do nhu cầu tiêu dùng tăng phục vụ lễ hội đầu năm.

Quý II năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,9 - 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục