Hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố đảm bảo tưới chắc cho hơn 85% diện tích các xứ đồng ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Hiện nay, tổng chiều dài hệ thống kênh tưới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 3.892km, trong đó kênh đã kiên cố là 3.058 km, chiếm 78,57% và kênh đất chưa kiên cố là 833km, chiếm 21,43%. Để kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, những năm qua tỉnh đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia. Đặc biệt là chương trình Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm.
Ông Lý Quang Minh, thôn Nà Lại, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa cho biết, từ ngày hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, tình trạng rò rỉ thất thoát nước do mương đất gây ra không còn nữa. Những cánh đồng đủ nước nên ruộng lúa cũng xanh tốt và cho năng suất cao hơn.
Hiểu được ý nghĩa của kênh mương kiên cố, năm 2021 khi có kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn do nhà nước cung cấp về làng, bà con tập trung đồng lòng làm trong 3 ngày đã xong 300m kênh mương theo đăng ký.
Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng, trong năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành cung ứng 62,6km cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn, đạt 100% kế hoạch. Đến nay, các địa phương đã thi công lắp đặt hoàn thành 57,1km, đạt hơn 91% kế hoạch. Trong đó, huyện Na Hang đã làm được hơn 4,1km đạt 100% kế hoạch. Huyện Lâm Bình làm được 13,6km, đạt 90% kế hoạch. Huyện Sơn Dương làm được 15,7km, đạt 92% kế hoạch…
Năm 2023, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình đăng ký lắp đặt 5.825m kênh mương nội đồng. Nhờ thực hiện tốt phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” nên chỉ tiêu về kiên cố hoá kênh mương nội đồng của xã đến nay đã cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
Người dân xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình chung sức làm kênh mương nội đồng. Ảnh: Đào Thanh.
Ông Chẩu Văn Anh, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình cho biết, hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố thay mương đất có ý nghĩa quan trọng giúp bà con trong xã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần nâng cao tiêu chí thuỷ lợi trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn nước về no đủ tại các xứ đồng nên 21ha đất ruộng, soi bãi của thôn ngoài trồng lúa, bà con còn mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa chuột, ớt, lạc theo hướng hàng hoá, liên kết bao tiêu sản phẩm, mang lại thu nhập cao.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa trở thành cầu nối quan trọng đưa nước từ công trình hồ đập về các xứ đồng.
Cùng với hệ thống kênh mương được kiên cố, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2023-2024, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương ban hành hướng dẫn quản lý, vận hành công trình; quy trình bảo trì, mức bảo trì kênh mương thực hiện cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; triển khai việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27/6/2023 của Chính phủ…
Hiện nay, tổng diện tích gieo cấy lúa hằng năm của tỉnh Tuyên Quang là khoảng 43.000ha, diện tích ngô là hơn 21.000ha… Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt hơn 344.900 tấn, trong đó sản lượng lúa đạt hơn 256.800 tấn, ngô đạt hơn 88.100 tấn…
Việc hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, trong đó có vai trò quan trọng của kênh mương nội đồng đang giúp ngành nông nghiệp Tuyên Quang chuyển biến mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng chất lượng và giá trị gắn với xu hướng và nhu cầu của thị trường.