Đồng chí Bì Quang Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cốc cho biết, xã hiện có 2 trang trại trồng cây ăn quả đã được chứng nhận với diện tích trên 4 ha, 141 mô hình kinh tế gia trại tổng hợp, cho thu lãi từ 70 đến 100 triệu đồng/ năm. Nhằm thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của người dân, UBND xã, các tổ chức đoàn thể đã chú trọng phối hợp, liên kết mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế mới, mang lại giá trị kinh tế cao đã xuất hiện trên địa bàn xã như mô hình liên kết trồng dưa chuột, trồng ớt, cải thảo, nuôi vịt bầu đất, gà thịt.
Anh Trần Văn Bằng, thôn Đồng Quảng chăm sóc cam theo quy trình Vietgap.
Hiện nay, toàn xã có trên 30 hộ nuôi vịt bầu đất, vịt giống Minh Hương với số lượng lên tới trên 3 nghìn con, có 200 hộ gia đình nuôi gà thịt với quy mô trên 35 nghìn con, trung bình mỗi hộ nuôi từ 100 đến 300 con gà. Ngoài ra, toàn xã có trên 500 con trâu, bò. Các mô hình kinh tế đã giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 25% thì đến nay qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,7%. Thu nhập bình quân đầu người từ 37 triệu đồng/người/năm (năm 2022), đến nay ước đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Gia đình ông Lưu Văn Phát, thôn Đồng Quảng là gương tiêu biểu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình ông Phát có 150 con vịt bầu đất, 300 con gà thịt thả vườn. Mỗi năm, gia đình ông cung ứng ra thị trường từ 300 đến 400 con vịt bầu, trên 500 con gà thịt. Ngoài ra, ông Phát còn trồng 1 ha cam sành, thu hoạch trung bình mỗi năm từ 7 đến 8 tấn cam; trồng 6 ha keo lai đã cho khai thác 3 chu kỳ. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình ông Phát thu nhập trên 150 triệu đồng. Năm 2022, gia đình ông được công nhận thoát nghèo.
Mô hình nuôi vịt bầu của gia đình anh Lưu Văn Phát, thôn Đồng Quảng.
Một trong những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả rõ nét nhất ở Bằng Cốc chính là mô hình trồng dưa chuột. Nhận thấy lợi nhuận kinh tế, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang thâm canh cây dưa chuột. Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Đồng Quảng là điển hình như vậy. Trước đây, gia đình chị Hiền làm 4 sào ruộng, hàng năm chỉ đủ lương thực. Từ năm 2022, chị Hiền chuyển 4 sào trồng 2 vụ lúa sang làm 3 vụ dưa chuột. Mỗi lứa dưa chuột, chị Hiền thu trên 3 tấn dưa chuột, trừ chi phí, chị thu lãi 20 triệu đồng. Chị Hiền cho biết, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên chị mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa chuột, sau một năm trồng thử, hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp đôi trồng lúa. Hiện nay, hai vợ chồng chị chỉ tập trung trồng dưa chuột và trồng rừng, cuộc sống từng bước ổn định hơn trước.
Đến tham quan vườn cam rộng 3ha của gia đình anh Trần Văn Bằng, cũng ở thôn Đồng Quảng, chúng tôi cảm nhận rõ ý chí vươn lên làm giàu của người dân nơi đây. Từ một hộ kinh tế khó khăn, anh Bằng đã quyết tâm đầu tư vốn liếng để trồng cam Vinh, cam V2, hiện nay gia đình anh có 2 ha cam Vietgap. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch gần 30 tấn cam, trừ chi phí, anh thu lãi gần 300 triệu đồng. Mô hình cam của gia đình anh tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ.
Không chỉ nhanh nhạy với thời cuộc trong phát triển kinh tế, người dân ở Bằng Cốc còn biết tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu các nông sản địa phương. Nhiều nông dân đã sử dụng youtube, facebook, zalo để đăng tải các bài viết, chia sẻ hình ảnh về các sản phẩm do mình sản xuất ra. Từ đó mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm.
Những mô hình kinh tế ở Bằng Cốc đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, giúp người nông dân gắn bó với đồng đất và làm giàu tại chỗ.