Xã Hồng Thái (Na Hang) có độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ ở đây xuống rất thấp trong mùa đông. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã có gần 5.000 con. Ngay từ đầu mùa đông, UBND xã đã triển khai kế hoạch chỉ đạo các thôn, bản tuyên truyền cho người dân nắm rõ tình hình diễn biến thời tiết, từ đó chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Ngoài tích trữ rơm rạ và thức ăn tươi như cỏ, ngô, bà con còn được hướng dẫn cách bổ sung cám gạo, bột ngô, chuối, nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Người dân xã Trung Sơn (Yên Sơn) tích trữ rơm cho trâu, bò ăn trong mùa đông.
Ngay sau khi có thông tin về việc có đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, khu vực chăn nuôi lợn của gia đình ông Bàn Xuân Thủy, thôn Khâu Tràng được dùng bạt che kín, đèn sưởi hoạt động 24/24 giờ. Ông Thủy cho biết, gia đình nuôi trên 100 con lợn. Những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, ông đã chủ động điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách sử dụng đèn sưởi; thường xuyên vệ sinh, phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. Cùng với đó, nguồn thức ăn cho đàn lợn được bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng. Với các biện pháp nêu trên, đàn vật nuôi của gia đình ông bảo đảm phát triển khỏe mạnh, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Đối với các hộ chăn nuôi trâu, bò, người dân đã chủ động gia cố chuồng trại, dùng bạt quây xung quanh chuồng nuôi nhằm hạn chế gió lùa. Nhiều hộ gia đình còn cẩn thận đốt lửa gần chuồng trại để sưởi ấm cho vật nuôi. Ông Cháng A Linh, thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, gia đình hiện có 4 con trâu. Trâu là tài sản lớn đối với gia đình, nên ngay từ đầu mùa đông ông đã chủ động mua bạt che kín khu chuồng nuôi, thường xuyên giữ chuồng trại chăn nuôi khô ráo. Đồng thời thực hiện hun trấu, đốt củi để tăng nhiệt độ khu vực chăn nuôi. Ngoài chuẩn bị thức ăn tươi từ cỏ voi, ông còn dự trữ rơm khô, ủ chua ngô sinh khối để làm thức ăn cho vật nuôi vào những ngày giá rét.
Với quy mô nuôi hơn 700 con gà mỗi lứa, ông Lê Đại Dương, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) luôn chú trọng việc phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gà của gia đình. Ông Dương chia sẻ: Những ngày này, nhiệt độ xuống thấp nên tôi nhốt gà trong chuồng và dùng lưới đen che xung quanh chuồng trại. Chuồng gà con được thắp điện sưởi ấm 24/24. Nhiệt độ xuống thấp kèm theo ẩm khiến gà dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa… Trước đó gia đình ông tiêm phòng đầy đủ vắc - xin cho đàn gà, bổ sung thêm vitamin vào thức ăn để bảo đảm giá trị dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Đồng chí Lưu Thị Anh Đào, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, toàn huyện có trên 30.000 con trâu, bò, trên 160.000 con lợn và 1,7 triệu gia cầm. Để ứng phó với những bất thuận của thời tiết, ngay từ đầu mùa đông, phòng đã tham mưu với UBND huyện ban hành phương án phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi và thủy sản. Cán bộ nhân viên thú y, khuyến nông hướng dẫn người dân dự trữ thức ăn như: Phơi rơm khô, ủ cỏ, ngô; thực hiện nuôi nhốt tại chuồng khi thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; thực hiện tiêm vắc - xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định. Đến nay, khoảng 95% số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện có chuồng nuôi nhốt, giữ ấm vật nuôi trong mùa đông; 100% hộ dân chủ động tích trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm…
Chuồng trại chăn nuôi được người dân xã Bình An (Lâm Bình) che chắn cẩn thận để chống rét cho đàn gia súc.
Từ nay cho đến Tết Nguyên đán, theo dự báo, thời tiết sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhiệt độ có thể xuống thấp, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Thêm vào đó, việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao dịp cuối năm nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh tăng cao.
Ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi: cập nhật diễn biến thời tiết thường xuyên, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi; củng cố, che chắn giữ ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi; chủ động dự trữ thức ăn, các loại chất khoáng, vitamin thiết yếu và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi.
Các địa phương tập trung vận động mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng, không chăn thả tự do và làm việc khi xảy ra rét hại; dùng các loại chăn, áo cũ hoặc các vật liệu khác để giữ ấm; chủ động nguồn thức ăn, tăng thêm thức ăn tinh, thức ăn ủ chua hoặc rơm ủ urê, các loại muối khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, giữ trâu bò tại chuồng, không chăn thả ngoài trời.
Người dân cần tăng cường công tác phòng bệnh, vệ sinh định kỳ, phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại, các khu vực xung quanh chuồng nuôi; thực hiện việc tẩy giun sán và tiêm phòng đầy đủ cho trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan, cán bộ thú y địa phương để giảm thiểu đến mức thấp nhất việc gia súc, gia cầm thất thoát trong mùa đông…