1. Đặc điểm nhận biết
Trên lá: Ban đầu vết bệnh chỉ nhỏ như mũi kim, mầu hơi vàng sau đó phát triển dần thành hình tròn, bầu dục hoặc vô định hình, màu sắc và kích thước vết bệnh có thay đổi. Bệnh xuất hiện ở tất cả các bộ phận của cây ngô: lá, thân, bắp nhưng chủ yếu trên lá. Bệnh có thể phát sinh rất sớm ngay từ khi cây ngô mới ra được 2-3 lá.
So với bệnh đốm lá lớn thì bệnh này có vết nhỏ hơn, nhiều hơn.
2. Tác nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Helminthosporium maydis gây ra
3. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh
Bệnh phát sinh trong điều kiện khí hậu ẩm ướt, bào tử nấm hình thành rất nhiều, nhất là ở các đốt thân, phiến lá, vỏ bắp tạo thành một lớp lông tơ màu nâu hoặc đen.
Bệnh đốm lá thường gây hại nhiều ở những ruộng ngô xấu tức là những ruộng không có sự đầu tư thâm canh làm cho cây còi cọc, xấu. Ngoài ra những ruộng đất xấu, đất trũng hay bị úng nước, ruộng có kết cấu thịt nặng, chặt, hoặc những ruộng thường xuyên bị thiếu nước...làm cho cây ngô sinh trưởng kém, còi cọc, không phát triển được.
4. Biện pháp phòng trừ
- Nên gieo trồng ngô ở những ruộng đất thịt nhẹ hoặc cát pha, có hệ thống tưới tiêu tốt, đảm bảo thoát nước trong mùa mưa và có đủ nguồn nước để chủ động tưới cho cây ngô trong mùa khô, tạo cho cây ngô sinh trưởng và phát triển thuận lợi.
- Thu gom sạch sẽ những tàn dư của cây ngô bị bệnh sau thu hoạch... Trước khi gieo trồng cần cày, bừa ruộng kỹ để chôn vùi tàn dư cây bệnh tiêu diệt nguồn bệnh lây lan cho ngô vụ sau.
- Chăm sóc, bón phân và tưới nước đầy đủ đúng kỹ thuật để phòng ngừa bệnh.
- Khi ruộng đã bị bệnh sử dụng một trong những loại thuốc như: Tilt super 300EC; Daconil; Ridomil; Validacin; Mannozeb 80WP...để phun xịt. Trước khi phun đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng thuốc in trên vỏ bao bì.
- Nếu ruộng thường xuyên bị bệnh gây hại nặng nên luân canh với một số loại rau mầu khác, để hạn chế và phòng bệnh.