Dù chưa xuất hiện giá rét song toàn bộ hệ thống chuồng nuôi bò của trang trại chăn nuôi bò của Hợp tác xã Chiêu Yên (Yên Sơn) đã được trang bị hệ thống bạt để sẵn sàng quây quanh khu vực chuồng; chế độ ăn cũng được tăng lên. Anh Phạm Đức Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trang trại có 9 thành viên, chuyên chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, với quy mô 100 đàn 100 con. Bắt đầu vào tháng 10, 11, đàn bò của Hợp tác xã sẽ được chăm sóc trong chế độ cao, khẩu phần ăn được bổ sung thêm nguồn thức ăn thô xanh, đạm, tinh bột, men tiêu; tiêm đủ các loại vắc - xin phòng, chống dịch bệnh. Riêng đối với bê con, Hợp tác xã có chế độ chăm sóc đặc biệt như sử dụng rơm khô làm đệm ấm, nuôi nhốt, tăng cường chất đạm vào khẩu phần ăn và cho bê uống nước ấm pha muối loãng để tăng sức đề kháng. Theo anh Mạnh, nhiều năm qua, Hợp tác xã duy trì chế độ chăm sóc cao trong mùa đông nên sức đề kháng của vật nuôi rất tốt, chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt, không xảy ra tình trạng bò, bê bị ốm khi nhiệt độ xuống thấp.
Anh Phạm Đức Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Chiêu Yên (Yên Sơn) chăm sóc cho đàn bò.
Ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết, hiện gia đình đang chăn nuôi hơn 20 con trâu, bò vỗ béo, hằng năm xuất bán và thu lãi từ 120 - 200 triệu đồng. Trước biến động của tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại có thể xảy ra gia đình ông Tuyên đã có phương án quây khu chuồng nuôi bằng bạt, dọn dẹp, dùng chế phẩm vi sinh xử lý phân, chất thải để chuồng trại sạch sẽ tránh bệnh cho đàn vật nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn trong những tháng đông giá rét, gia đình ông trồng 1,3 ha cỏ Pax chong 1. Ngoài ra gia đình ông Tuyên cũng chủ động đặt hàng mua cây ngô sinh khối vụ đông để ủ chua tích trữ trong những tháng mùa đông.
Theo các kỹ sư chăn nuôi, chuẩn bị nguồn thức ăn, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ cho từng đối tượng vật nuôi. Thực tế hiện nay, tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin vẫn đạt thấp, trong khi mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh viêm da nổi cục, cúm gia cầm vẫn lưu trú trong môi trường, nguy cơ bùng phát bệnh dịch là rất cao...
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có tổng đàn bò trên 41 nghìn con, đàn trâu khoảng 90 nghìn con; đàn lợn trên 516 nghìn con; tổng đàn gia cầm 6,4 triệu con. Số lượng vật nuôi khá lớn nếu xảy ra dịch bệnh sẽ thiệt hại nặng nề. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bám sát diễn biến thời tiết tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và diễn biến phức tạp của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở các khu dân cư để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống dịch bệnh và đói, rét cho vật nuôi; đặc biệt chú trọng các địa phương vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Đến nay toàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng xong vụ Thu - Đông cho đàn vật nuôi và tiến hành tiêm bổ sung đối với những vật nuôi đến tuổi hoặc mới vào đàn.
Khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh và Thủy sản phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm chuyển mùa, ngoài tiêm vắc - xin, người dân cần nhập giống nuôi tại các cơ sở uy tín và đã được kiểm định bởi cơ quan thú y, lúc mới nhập giống cần nuôi cách ly theo dõi, nếu ổn định mới nhập vào đàn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố khi đàn vật nuôi có các biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo dự báo, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, các đợt rét đậm, rét hại, mưa phùn và độ ẩm cao có thể xảy ra. Vì vậy, người chăn nuôi cần thận trọng, không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đề cao cảnh giác với các yếu tố dễ phát sinh dịch bệnh, chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.