Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo và đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp sau:
1. Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến gió mùa Đông Bắc, rét và thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở và nhân dân chủ động phòng tránh.
2. Bảo vệ sức khỏe người dân:
Triển khai các biện pháp giữ ấm, đặc biệt cho người già, trẻ nhỏ và học sinh.
Lưu ý không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín nhằm tránh nguy cơ xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người do ngộ độc khí CO.
3. Bảo vệ sản xuất nông nghiệp:
Tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và dự trữ thức ăn và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo hướng dẫn tại Văn bản số 2898/SNN-CNTYTS ngày 03/12/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống đói rét và phòng chống dịch bệnh vật nuôi, thủy sản;
Tăng cường chăm sóc cây trồng bằng cách tủ gốc, bón phân hợp lý, tưới đủ ẩm và sử dụng chế phẩm sinh học tăng cường sức chống chịu của cây, cụ thể như: tủ gốc bằng phụ phẩm cây trồng (rơm, rạ, thân cây ngô, đậu đỗ,….) và tưới đủ ẩm cho cây; bón bổ sung kali, lân, phân hữu cơ hoai mục (giảm bón đạm); phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như Trichoderma, KH, PenacP… giúp cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét.
4. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tại cơ sở: Tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét hiệu quả. Khuyến cáo người dân trên địa bàn tỉnh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét đậm, bảo vệ sức khỏe, vật nuôi và cây trồng để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi.
5. Báo cáo tình hình: Các đơn vị thực hiện trực ban nghiêm túc, tổng hợp thông tin thiệt hại và báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua email trucban.tq@gmail.com hoặc số điện thoại 0207 3823 759.