Con đường riêng của tỷ phú thanh long

17/08/2024 - 15:50
106

- “Hơn 30 tuổi, tôi nộp hồ sơ học tại chức Khoa Trồng trọt, Trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, tôi về quê trở thành thợ ...

Học không bao giờ là muộn…

Chúng tôi đến thăm trang trại thanh long của anh Đỗ Văn Hưng khi anh đang sắp xếp công việc cho 20 lao động. Trên khu vườn thanh long rộng 7 ha, anh lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, những hàng trụ thanh long trồng thẳng tắp, cành chen cành, trái chín đỏ tươi. Sau khi phân công cho lao động ai vào việc nấy, anh Hưng vội vàng ra giám sát tốp người đang sắp xếp trái cây rồi niềm nở chuyện trò cùng các thương lái. Thời điểm này công việc của anh tất bật, bận rộn suốt từ sáng đến tối trong niềm vui và sự phấn khởi được mùa của người nông dân.

Nhìn cơ ngơi của anh với sự quy chuẩn gọn gàng, khoa học, 7 ha thanh long đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, quả nào quả ấy đều căng tròn, anh Hồ Minh Hợi, thương lái đến từ Vĩnh Phúc chia sẻ: “Tôi mua vườn này nhiều năm rồi. Thanh long được anh Hưng kiểm soát chất lượng từ đầu vào, chăm sóc kỹ cho từng khóm, nên cây nào cũng phát triển rất nhanh, rất mập. Yên tâm về đầu ra lắm”.

 

 

Anh Đỗ Văn Hưng cẩn thận lựa chọn quả thanh long chất lượng đến tay người tiêu dùng.

 

Để có được sự tín nhiệm, khác biệt giữa hàng trăm vườn thanh long trong và ngoài tỉnh, đó là cả một sự nỗ lực của chàng trai Đỗ Văn Hưng. Anh Hưng kể, anh sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm công nhân lâm trường. Gia đình đông anh chị em, tuổi thơ vất vả, khó khăn. Học xong THPT, anh cũng bôn ba nhiều nghề thế nhưng 32 tuổi anh Hưng quyết định về quê nộp hồ sơ học về chuyên ngành trồng trọt của Học viện Nông nghiệp 1.

Nhiều người can ngăn anh bởi hơn 30 tuổi, bỏ công bỏ việc đi học, lại học ngành đó thì xin việc ở đâu, lãng phí tiền bạc, công sức thôi! Thế nhưng anh vẫn quả quyết với con đường riêng của mình. Anh dí dỏm: “Tính mình thích tự do nên vào môi trường làm việc trong các cơ quan, nhà nước theo giờ giấc quy định thì chắc năm nào cũng bị xếp là nhân viên hạng cuối mất. Mình đi học bởi ý nghĩ, sự học chẳng bao giờ muộn, học để biết, học để về làm nông dân giỏi thì cũng là thành công”.

35 tuổi, anh tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp 1. Chàng kỹ sư trồng trọt trở về làng quê để phát triển kinh tế trong sự ngỡ ngàng của bao người. Và với trình độ, năng lực của mình chàng kỹ sư nông dân Đỗ Văn Hưng đã xây dựng một mô hình vườn mẫu để nhiều người đến học tập.

Năm 2007, với lợi thế đất vườn sẵn có và nhãn quan của mình, anh Đỗ Văn Hưng quyết định chặt bỏ hàng trăm gốc cam sành để trồng cây thanh long ruột đỏ - loại thanh long khá xa lạ và hiếm có ở thời điểm đó. Anh lý giải: “Cam sành thời đó được giá thế nhưng phát triển ồ ạt lắm. Làm kinh tế là phải có con đường riêng của mình, không theo phong trào là “đứt” ngay”. Ban đầu, anh Hưng trồng thử nghiệm vài chục trụ, thấy giống cây này hợp thổ nhưỡng anh quyết tâm vay vốn gần 2 tỷ đồng trồng thanh long ruột đỏ với diện tích lớn là 7 ha.

Đã làm là làm tới cùng, làm quyết liệt, dù  cho nhiều người ra sức ngăn cản nhưng anh vẫn tin tưởng vào bản thân, tin tưởng con đường riêng của mình. Anh khẳng định: “Mình đã có kiến thức ở trường học, kinh nghiệm  thực tế thì tích lũy dần. Cho nên vụ đầu tư này là vụ đầu tư chắc chắn, không thể gọi đó là canh bạc được. Mình phải làm thì mới biết đến thành công”.

Thế nhưng, “đời đúng không như mơ”, vụ đầu tiên, do không biết cách hãm cây, hãm quả thanh long nên toàn bộ 7 ha thanh long chín ồ ạt. Chưa kể chất lượng quả không đồng đều, hàng tấn thanh long có nguy cơ hỏng, bỏ đi do không kịp xuất bán. Thương lái ép giá, nợ nần chồng chất, anh Hưng “thấm” bài học sâu sắc này.

Vườn du lịch thanh long

Anh nhận ra, làm kinh tế không thể vội được, hơn 2 năm trời, chàng trai trẻ bôn ba khắp cả nước để học từng mẹo chăm sóc cây thanh long của các trang trại lớn. Điều anh đúc rút vẫn là: “Mình phải hiểu về cây thanh long. Đây là loại cây dễ tính nhưng để có quả chất lượng, ngon thì thực sự là cần sự chăm chút, kỳ công và cái tâm của người trồng. Toàn bộ trang trại mình đều thực hiện chăm bón theo hướng hữu cơ. Đó là sử dụng bột ngô, đỗ tương ủ, các loại phân chuồng hoai mục… Mỗi giai đoạn sẽ có cách chăm sóc, bón các loại thức ăn khác nhau. Mình phải biết lắng nghe để hiểu cây cần gì”.

 

Mỗi vụ thanh long, gia đình anh Đỗ Văn Hưng thuê từ 15 - 20 lao động.

Với cách chăm sóc chu đáo, có tâm của chàng trai trẻ, trang trại thanh long mang tên Đỗ Văn Hưng nổi tiếng không chỉ ở trong tỉnh mà ở các tỉnh bạn với thành phẩm là những quả thanh long ruột đỏ chất lượng, ngon ngọt, mọng nước… Sở hữu bí quyết giữ được tai quả vẫn cứng sau 18 - 20 ngày nên quả thanh long nhà anh Hưng rất được giá, có những thời điểm giá tại vườn lên tới 28 - 30 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch trên 30 tấn, thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng.

Không dừng lại đó, anh Hưng còn phát triển theo hướng vườn du lịch. Khu vườn xinh xắn rộng 7 ha được chủ nhân cẩn thận bố trí tiểu cảnh một cách khá thẩm mỹ. Du lịch là sự khác biệt, hiểu được điều đó trước hết anh Hưng đã quyết tâm làm cho khu vườn trở nên độc đáo bằng cách bỏ tiền làm đường bê tông cho ô tô, xe máy đi vào tận nơi, xây dựng lầu ngắm vườn thanh long từ trên cao, mắc hàng nghìn bóng điện cho các trụ cây để du khách ngắm cảnh đêm, làm đường hoa. Anh dựng chòi nghỉ để du khách nghỉ ngơi, ăn uống sau khi ngắm vườn thanh long.

Với sự kỳ công đó, vườn du lịch của anh Hưng đã trở thành điểm đến khá hấp dẫn du khách, trong đó có những du khách ngoại tỉnh. Anh Hưng chia sẻ, thời điểm này anh không bán vé mà để du khách thỏa sức khám phá, check-in. Chi phí đó anh coi như là để bù trừ vào quảng cáo vườn du lịch. Anh hóm hỉnh: “Nhiều du khách đến chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội, người nọ người kia chia sẻ, có khi vườn du lịch của mình được quảng cáo khắp toàn cầu rồi ấy chứ”.

Chị Ma Thị Lương, tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Chị biết vườn du lịch ở Yên Phú qua mạng xã hội. Thời điểm nghỉ hè này, chị dẫn nhóm bạn và các con lên tham quan vườn du lịch của anh Hưng, so với vườn du lịch ở miền Tây thì cũng không khác gì cả”.

Đồng chí Đỗ Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú cho biết: “Trang trại thanh long của anh Đỗ Văn Hưng là điểm đến tham quan mô hình kinh tế, mô hình du lịch của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh. Anh Hưng hiện nay là Tổ trưởng tổ hợp tác phát triển cây thanh long của xã, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, đầu ra cho bà con rất nhiều”.

Cuối buổi chiều mùa hạ, nắng chiếu qua khu vườn, anh Đỗ Văn Hưng vui vẻ dẫn tôi đi tham quan vườn thanh long đang trĩu quả. Những tán cây xanh mướt mọc ngay ngắn thành hàng, điểm xuyết những quả thanh long màu đỏ, căng mọng bắt mắt thu hút những người lần đầu ghé thăm. Anh Hưng vui vẻ nói: “Làm kinh tế hay làm gì cũng cần có con đường riêng, phải có mục tiêu và theo đuổi đến cùng mục tiêu đó thì mới có quả ngọt được”. Nhìn vào đôi mắt anh, tôi hiểu anh đang rất vui và hạnh phúc trên con đường của một kỹ sư nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở
Giấy phép hoạt động số: 14/GP-TTĐT ngày 04/03/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 108, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: (0207) 3822.637 - Fax: (0207) 3822.704 - Email:nongnghiepptnt@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang