Nhân viên Ban quản lý công trình cấp nước sạch Nhữ Hán - Nhữ Khê (Yên Sơn) kiểm tra hệ thống đường ống dẫn nước.
Không để hệ thống tự động xả thải lắng cặn, anh Nguyễn Mạnh Cường, nhân viên điều tiết nước công trình nước sạch xã Tứ Quận (Yên Sơn) luôn chủ động xả thải lượng nước ứ đọng sau mỗi khoảng thời gian vận hành. Anh Cường chia sẻ, thường 5 - 7 ngày hệ thống xả tự động sẽ mở van để xả thải lắng cặn từ các bể chứa.
Tuy nhiên, những ngày qua, mưa lớn kéo dài nước bơm lên có những vẩn đục, do đó anh em đã chủ động xả. Theo anh Cường cứ 1 - 2 ngày, ban lại xả thau rửa hệ thống đường xông, xả cặn lắng, nhờ đó chất lượng rất đảm bảo. Không chỉ chủ động xả thải lắng cặn ở hệ thống bể chứa, bể lắng, nhân viên quản lý công trình cấp nước sạch Tứ Quận cũng kiểm tra thường xuyên hệ thống đường ống dẫn, phát hiện và khắc phục kịp thời không để xảy ra những sự cố ảnh hưởng đến việc điều tiết nước phục vụ nhân dân.
Ông Hoàng Công Trục, thôn Đồng Cầu, xã Tứ Quận (Yên Sơn) cho biết, hơn 1 năm sử dụng nước từ công trình, nước cung cấp ổn định cả ngày lẫn đêm, chất lượng nguồn nước rất đảm bảo, ngay cả thời điểm vừa qua mưa lớn xảy ra, nhưng nước không hề có vẩn đục.
Tại công trình cấp nước tập trung xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) cán bộ, nhân viên cũng thường xuyên thau rửa hệ thống bể để bảo đảm cung cấp đến người dân nguồn nước trong, sạch nhất. Đại diện Ban Quản lý công trình cấp nước xã Kiên Đài cho biết, công trình cấp nước tập trung của xã hiện đang cấp nước cho trên 200 hộ dân. Qua kiểm tra nguồn nước cấp từ điểm đầu đến cuối điểm đấu nối, chất lượng nước vẫn rất trong, sạch. Chị Hà Thị Minh, thôn Khun Cúc phấn khởi bảo: “Hệ thống bể lọc, đường ống công trình cấp nước được thau rửa thường xuyên nên dù vào mùa mưa, nguồn nước vẫn đảm bảo trong, mát, bà con phấn khởi lắm!”.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 383 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, trong đó có 227 công trình hoạt động. Do địa hình, địa chất phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng từ thiên tai nên nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình cũng như hoạt động cấp nước.
Đồng chí Trần Trung Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh khẳng định: Đảm bảo các công trình cấp nước sinh hoạt cấp nước ổn định trong mùa mưa lũ, hạn chế thấp nhất các thiệt hại, ngay từ đầu năm, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tăng cường kiểm tra chất lượng công trình và kiểm soát chất lượng nước; đôn đốc ban quản lý các công trình cấp nước, các tổ quản lý nước, kiểm tra, rà soát lại tất cả các hạng mục công trình để kịp thời khắc phục, sửa chữa hư hỏng, nhằm đảm bảo cấp nước cho nhân dân ổn định về số lượng và chất lượng; đối với các công trình lớn thường trực 24/24 giờ khi có mưa lũ, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết để bảo trì, bảo dưỡng công trình, đặc biệt lưu ý tới các vị trí đầu mối thu nước, sau trận mưa lũ cần tiến hành kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh, nạo vét bùn hay đất, đá khai thông dòng chảy vào đường ống.
Tại các bể lọc, Trung tâm yêu cầu các ban, tổ quản lý thực hiện kiểm tra kỹ các tầng lọc như lớp cát lọc, đá lọc… thau rửa kịp thời khi có hiện tượng tắc hay các lớp lọc không đảm bảo. Riêng các tuyến đường ống, các vị trí bị xói mòn khiến ống lộ thiên, dò rỉ nước, vị trí các mối nối, hố van điều tiết thực hiện sửa chữa khắc phục ngay để đảm bảo việc cấp nước và chất lượng nguồn nước cấp cho nhân dân.
Bảo đảm an toàn, chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân thực hiện canh tác an toàn, bền vững, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăn thả gia súc tại nơi đầu nguồn nước; không tự ý xâm lấn vào các hệ thống đường ống. Khi phát hiện có hỏng hóc về đường ống, người dân cần báo ngay cho đơn vị quản lý để khắc phục.
Nguồn: Báo Tuyên Quang online