Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh. Hội nghị trực tuyến tới điểm cầu các huyện, thành phố.
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Có thể nói, một trong những điểm sáng của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06.
Hai năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng vặt, tiết kiệm thời gian, công sức, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai…
Báo cáo 2 năm thực hiện Đề án 06 nêu, nổi bật là nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về chuyển đổi số có chuyển biến tích cực. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử đã được cung cấp để người dân hưởng thụ tốt hơn. Các giải pháp chuyển đổi số về phát triển kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, góp phần thay đổi phương pháp quản lý công dân từ thủ công sang ứng dụng CNTT. Dữ liệu ngày càng được hoàn thiện để tạo điều kiện kết nối, chia sẻ. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được quan tâm hơn…
Tuy nhiên, hiện nay còn 26 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình của Đề án 06 và theo lộ trình các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ.
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.
Qua 2 năm thực hiện, Tuyên Quang là một trong 14 địa phương đầu tiên trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về an ninh, an toàn thông tin, đảm bảo cho việc triển khai kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã hoàn thành đối với dữ liệu Hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh); dữ liệu Người Lao động; Người có công (lĩnh vực Lao động - Thương binh và xã hội); công tác cấp CCCD gắn chip và cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, việc số hóa sổ hộ tịch phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trên địa bàn tỉnh để kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm; cơ sở dữ liệu đất đai ở một số đơn vị cấp xã chưa được xây dựng, nguồn kinh phí đầu tư lớn…
Năm 2024, Tổ công tác đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ đề “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phụ vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”, xây dựng 81 nhiệm vụ (20 nhiệm vụ chung, 61 nhiệm vụ cụ thể). Trong đó tập trung thực hiện xuyên suốt 17 nhiệm vụ từ nay đến tháng 6-2024.