Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải: 'Thiên thời, địa lợi, nhân hòa'

23/07/2024 - 16:09
54

Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, mục tiêu then chốt của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân và sản xuất bền vững.

Cây lúa không có tội

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) đánh giá: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Đề án) được ra đời trong bối cảnh hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. 

Theo ông Lê Quốc Thanh, mục tiêu quan trọng đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới là giúp người sản xuất tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, gia tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Quốc Thanh, mục tiêu quan trọng đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới là giúp người sản xuất tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, gia tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trung Quân.

Sở dĩ nói như vậy vì trong bối cảnh thế giới ngày càng quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon, Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về những vấn đề này. Cây lúa là cây trồng chủ lực ở ĐBSCL, tuy nhiên nông dân lại là lực lượng yếu thế, có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, chúng ta vừa thực hiện thành công Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Những kinh nghiệm trong việc thiết kế hạ tầng, áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm phát thải đã có cơ hội được kiểm chứng trên thực tế.

Mục tiêu của Đề án là hướng tới hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đề án nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Mặc dù chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng khi đi sâu vào nội dung của Đề án, các chủ thể đều tìm thấy động lực, lợi ích của mình hiện hữu trong đó nên rất hào hứng đón nhận.

Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, nếu không đạt được mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân thì các mục tiêu giảm phát thải của Đề án cũng sẽ gặp khó. Ảnh: NNVN.

Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, nếu không đạt được mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân thì các mục tiêu giảm phát thải của Đề án cũng sẽ gặp khó. Ảnh: NNVN.

Tuy nhiên, để triển khai Đề án thực sự thành công, điểm mấu chốt phải xác định được đâu là mục tiêu quan trọng trong đa mục tiêu mà Đề án hướng tới. Mục tiêu quan trọng đầu tiên Đề án hướng tới là giúp người sản xuất tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, gia tăng hiệu quả kinh tế. Đây được xem là mục tiêu then chốt, nếu không đạt được mục tiêu này thì các mục tiêu khác rất khó để đạt được.

Vậy làm cách nào để giúp nông dân thực hiện có hiệu quả những mục tiêu này của Đề án? Cách thức đơn giản nhất là thay đổi phương thức sản xuất truyền thống bằng những giải pháp canh tác tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, "1 phải 5 giảm", tưới ngập - khô xen kẽ, xử lý rơm rạ… Đây là những giải pháp không mới với nông dân ở ĐBSCL, nhưng nếu thực hiện một cách bài bản, khoa học, thuần thục, chuyên nghiệp thì sẽ giúp nông dân tiết kiệm giống, phân bón, thuốc BVTV, nước… Từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Song song với quá trình này là năng suất, chất lượng sản phẩm, thương hiệu lúa gạo tăng lên, kèm theo là giảm được lượng phát thải khí nhà kính.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn quy trình canh tác lúa giảm phát thải cho nông dân Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn quy trình canh tác lúa giảm phát thải cho nông dân Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo.

 

Theo ông Lê Quốc Thanh, bản thân cây lúa không có tội trong việc làm tăng lượng phát thải khí nhà kính mà chính những kỹ thuật canh tác chưa chuẩn mực đã gây ra hiện tượng này. Khi chúng ta tập trung áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến, nhất là tưới ngập - khô xen kẽ..., sẽ mở ra cơ hội giảm được lượng phát thải, đồng nghĩa với việc giúp cây lúa lấy lại vị thế, giá trị của mình. Như vậy, mục tiêu của người sản xuất và mục tiêu của quốc gia đã tìm được sự đồng nhất trong cùng một Đề án.

Tuy nhiên, để tạo được sự đồng bộ khi áp dụng các giải pháp và quy trình kỹ thuật tiên tiến, phải luôn quan tâm tới việc đạt được mục tiêu kép (năng suất, chất lượng, giảm chi phí, giảm phát thải). Đồng thời phải hình thành được hình thức tổ chức sản xuất mới trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL theo quy mô lớn, tính chuyên nghiệp cao, lấy việc thiết kế, xây dựng lại cơ sở hạ tầng làm điểm xuất phát.

Trong đó, trước tiên cần xây dựng được hạ tầng về trình độ, kiến thức, sự hiểu biết của nông dân, giúp họ luôn có tâm thế sẵn sàng khi tham gia Đề án. Xây dựng quy hoạch hình thành cánh đồng lớn, tạo thuận lợi cho việc điều tiết thủy lợi, áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến… để thay thế cách làm manh mún, nhỏ lẻ, nông hộ.

Hợp tác xã sẽ là thành phần quan trọng khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa. Ảnh: NNVN.

Hợp tác xã sẽ là thành phần quan trọng khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa. Ảnh: NNVN.

Đặc biệt, phải đưa được nông dân vào các HTX để tạo sự đồng bộ khi triển khai các giải pháp kỹ thuật. Khi sự đồng bộ đạt ngưỡng sẽ hình thành sự chuyên nghiệp trong canh tác. Khi sự chuyên nghiệp trở nên phổ biến thì Đề án chắc chắn thành công, nhân rộng ở ĐBSCL.

"Với thị trường carbon, việc triển khai Đề án chỉ là bước khởi đầu, bởi để định hình được thị trường này là cả một hành trình dài. Trước mắt, nông dân tham gia Đề án có quyền tự hào, tin tưởng rằng mình đang làm công việc vô cùng ý nghĩa, đóng góp vào công cuộc giảm phát thải, bảo vệ môi trường sống của nhân loại. Đồng thời, đang tự mình xây dựng cho mình bệ đỡ vững chắc để phát triển sản xuất bền vững và hưởng lợi, từ đó kiến tạo nền móng cho thế hệ tương lai", ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Khuyến nông đồng hành toàn diện

Ông Lê Quốc Thanh cho biết, trên cơ sở đánh giá Đề án mang trọng trách quan trọng và kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL, Bộ NN-PTNT đã giao Trung tâm KNQG làm đầu mối thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực cho tất cả các lực lượng tham gia chuỗi (từ người sản xuất, HTX, doanh nghiệp, đội ngũ quản lý…). Bên cạnh đó, kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng tại tất cả các địa phương tham gia Đề án…

Để hoàn thành những nhiệm vụ này, hệ thống khuyến nông đã tự đổi mới mình, thay đổi phương thức hoạt động từ chỉ tập trung thực hiện công tác chuyển giao sang vừa chuyển giao vừa đồng hành, kiểm soát toàn bộ quá trình. Bên cạnh đó, thực hiện công tác kết nối người sản xuất với doanh nghiệp. Khuyến nông sẽ đi cùng các chủ thể trong việc thống nhất kế hoạch, quy hoạch, thời gian hoạt động, cùng nhau xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch trong quá trình thực hiện Đề án.

Muốn thuận lợi áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác giảm phát thải phải xây dựng, quy hoạch, hình thành cánh đồng lớn, tạo thuận lợi cho việc điều tiết thủy lợi... Ảnh: Kim Anh.

Muốn thuận lợi áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác giảm phát thải phải xây dựng, quy hoạch, hình thành cánh đồng lớn, tạo thuận lợi cho việc điều tiết thủy lợi... Ảnh: Kim Anh.

Liên quan tới giảm phát thải, khuyến nông sẽ là lực lượng đồng hành với người sản xuất đánh giá kết quả giảm phát thải thực tế trên đồng ruộng. Công việc này trước đây thuộc về các đơn vị khoa học, nhưng bây giờ nông dân được quyền tham gia đánh giá thông qua hệ thống khuyến nông. Khuyến nông sẽ cùng nông dân báo cáo chi tiết, chính xác lượng giảm phát thải thông qua việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật. Các cơ quan xác nhận sẽ căn cứ vào đó để xác định lượng giảm phát thải.

"Khi các mục tiêu của Đề án đã đạt được, sản xuất lúa gạo giảm phát thải, sản xuất trách nhiệm sẽ trở thành một thương hiệu của nông dân Việt Nam. Việc bước chân vào các thị trường lúa gạo khó tính, giá trị cao sẽ không còn là câu chuyện khó khăn. Lúc này, chúng ta sẽ hướng tới mục tiêu tham gia vào thị trường tín chỉ carbon", ông Lê Quốc Thanh.

 

.

 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở
Giấy phép hoạt động số: 14/GP-TTĐT ngày 04/03/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 108, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: (0207) 3822.637 - Fax: (0207) 3822.704 - Email:nongnghiepptnt@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang