“Ai trong chúng ta không yêu làng quê của mình, nhưng rồi bỗng một ngày nơi ấy chỉ còn trong khắc khoải. Bôn ba chốn thị thành, hình ảnh làng quê chỉ còn mờ ảo như những cuộn khói mùa đốt đồng. Rồi cũng đôi khi trở về nơi mình ra đi như một cuộc du ngoạn, về rồi vội vã rời đi. Vội vã có khi vì công việc, mà cũng có khi vì nơi ấy không còn cảm xúc thân thuộc như ngày nào”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ.
- Thưa Bộ trưởng, tại sao giờ đây, khi trở về thôn quê, nhiều người phải vội vã rời đi, có khi vì “cảm xúc không còn thân thuộc như ngày nào”?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân được cải thiện. Người dân nông thôn vui mừng đón chào ngày khánh thành những công trình mới, hòa vào nhịp sống mới. Nhờ quy hoạch xây dựng nông thôn mới mà cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở các địa phương…
Nhưng cũng phải thấy rằng, nông thôn đã ít nhiều phai nhạt bản sắc. Một số nơi không còn những điều gần gũi đã ăn sâu vào tâm thức, nếp nghĩ, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách người làng quê. Bên cạnh những xã nông thôn mới dù tạo được “cốt” mới vẫn giữ được “hồn” cũ, nhiều nơi dù hiện đại hơn nhưng thô ráp, vô hồn vì những khối bê tông “đồng phục hóa”.
Thực tế có nhiều công trình hoành tráng nhưng lạc lõng với khung cảnh làng quê. Những hàng cây xanh mát vệ đường, lũy tre làng ngày nào đã bị thay thế khiên cưỡng, làm mất hình ảnh nông thôn sinh thái. Nhà mái bằng, phố hình ống, đường làng, hàng rào bê tông hoá đã trở nên phổ biến. Đường hóa phố, phố trong làng thiếu hài hòa, làng cao lên, to ra nhưng con người đang dần xa nhau. Tình cảm hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau dần chỉ còn trong những câu chuyện kể.
Nhà ống phân lô xuất hiện nhiều ở khu vực nông thôn. Ảnh: ST
- Sự thay đổi diện mạo của nhiều làng quê nông thôn hiện nay đang đặt ra vấn đề gì trong bài toán quy hoạch, kiến trúc?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Kiến trúc truyền thống là một phần văn hoá vật thể, dựa vào phong thổ và văn hoá bản địa. Mỗi địa phương có điều kiện thiên nhiên, địa lý riêng biệt. Mỗi dân tộc anh em đều có những trầm tích, bản sắc văn hoá độc đáo. Tất cả tạo ra sự phong phú, đa dạng. Thật trăn trở khi diện mạo nhiều vùng nông thôn ngày nay phải chứng kiến sự “sao chép”, “vay mượn” kiến trúc thiếu chọn lọc.
Phải nhận thức được rằng, nông thôn không phải là nơi chỉ để sản xuất nông nghiệp mà thực tế còn là không gian nuôi dưỡng tâm hồn con người. Một cách vô thức, những cảnh vật xung quanh, ngôi nhà, những dòng sông, con kênh… đã hấp thụ vào trong mỗi người những dòng cảm xúc về cội nguồn, về văn hóa nông thôn. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một câu rất hay: “Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân” như một dòng dẫn dắt tâm thức con người ta trở về với cội nguồn.
Tuy vậy, trong dòng chảy bộn bề của sự phát triển, đôi khi nông thôn bị lãng quên. Nông thôn chưa được quan tâm một cách đầy đủ, từ quy hoạch đến thiết kế kiến trúc, cảnh quan, văn hóa. Chúng ta chưa có những nghiên cứu hay thông điệp đủ rõ cho vấn đề này.
- Vậy thưa Bộ trưởng, hệ lụy có thể nhìn thấy là gì nếu như “sự lãng quên” đó tiếp tục được nhân rộng hay nói cách khác là vấn đề quy hoạch, kiến trúc nông thôn vẫn không được quan tâm đúng mức?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nếu đô thị đại diện cho mức độ phát triển của mỗi nước, nông thôn là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi.
Ngày trước văn hóa làng quê là “tối lửa tắt đèn có nhau”, bà con chỉ gọi nhau một câu là có mặt, nhiều khi ra đường không cần đóng cửa. Bây giờ trong xu hướng đi lên thì nhà nào cũng “kín cổng cao tường”, rồi sinh ra sự đố kỵ, hẹp hòi, ganh đua, mất đi tình làng nghĩa xóm và ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa làng quê. Không gian có mở thì con người mới mở, mà con người mở thì mới đến được với nhau. Nếu nhà nào cũng tách biệt với nhà khác, tách biệt với thiên nhiên, thiếu đi sự kết nối thì con người cũng không thể đến với nhau, vì bản thân những ngôi nhà đã không hài hòa, không kết nối với nhau.
Đã đến lúc chúng ta cũng phải cùng nhau nhìn lại, không phải là bảo thủ cố giữ những hình ảnh của ngày xưa, mà là làm sao để giữ lại cốt cách, bản sắc, hệ sinh thái ‘tam nông’.
- Như vậy, rõ ràng cần có định hướng cụ thể cho kiến trúc nông thôn để tránh việc người dân xây dựng tự phát, sao chép của khu vực đô thị hay những thiết kế kiến trúc từ nước ngoài, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thực ra trong tiến trình hội nhập sẽ có sự dung nạp văn hóa, ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy thôi. Tuy nhiên mình phải hiểu được tại sao người ta làm như vậy? Có những kiến trúc phù hợp với khí hậu, văn hóa của người ta nhưng khi đưa về mình có khi lại trở nên thô kệch. Do đó, chỉ nên chắt lọc những gì hay nhưng vẫn phải giữ được cốt cách của mình.
Ngôi nhà ở nông thôn cũng không nhất thiết là phải sao chép lại toàn bộ những kiểu nhà xưa cũ, mà phải giữ được cái hồn, cái đường nét, khuôn thước, kiểu cách đã được thế hệ cha ông đúc kết để phù hợp với phong thổ, văn hóa, đặc điểm của từng địa phương.
Ngôi nhà là tri thức bản địa, phù hợp với đặc điểm sinh thái, tuân theo những quy luật đã được nhiều đời tổng kết. Chúng ta đã có được tri thức tích lũy từ ngày xưa nhưng thực tế đang bị quên đi. Bây giờ chỉ cần giữ lại và biến nó trở thành những gì vừa truyền thống vừa hiện đại, đưa được những yếu tố tiện nghi vào những căn nhà truyền thống.
Cái khó là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người làm kiến trúc thì không có nhiều dịp gắn bó sâu sát, mật thiết với nông thôn, người ở nông thôn thì không phải ai cũng am hiểu về kiến trúc. Ở nước ngoài, họ có những chương trình đào tạo về kiến trúc, quy hoạch nông thôn bởi đó không chỉ gồm những vấn đề kỹ thuật mà còn về nghệ thuật, văn hóa, phong tục, tập quán, xã hội học. Bản chất quy hoạch là sự sắp xếp, nhưng không phải phá vỡ đi để dựng mới toàn bộ mà là dựa trên những thứ đã có để phục dựng, sắp xếp lại và đưa những giá trị mới vào, như là việc phục dựng làng nghề truyền thống, đình, đền, chùa để có sự hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Quy hoạch nông thôn không phải chỉ là công việc của riêng kiến trúc sư, mà còn có sự tham gia của những nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, dân tộc, môi trường. Trong thời gian qua, chúng ta quá đơn giản khâu quy hoạch, kiến trúc nông thôn. Quy hoạch mẫu, kiến trúc mẫu nhiều khi không đi vào cuộc sống, người dân không nghe, mà không nghe thì họ sẽ làm khác đi. Đó là lý do vì sao nhiều địa phương xây dựng khu tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng họ không vào ở, hoặc vào ở một thời gian rồi bỏ đi. Bởi vì chúng ta xây nhà chứ không tạo ra một mái ấm cho con người. Cảm xúc, văn hóa, sự thân thuộc mới giúp ngôi nhà trở thành mái ấm.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch nông thôn phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng vùng miền của làng quê Việt Nam. Không lấy quy hoạch đô thị để áp vào quy hoạch nông thôn. Không “mặc đồng phục” cho đô thị ở nông thôn.
- Giải pháp để nông thôn mới thực sự phát triển một cách có bản sắc và tạo ra đa giá trị từ đất đai, kiến trúc, văn hóa… là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.
Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn và những ngành liên quan là tạo ra không gian phát triển mới cho nông thôn, giá trị không chỉ nằm ở sản lượng sản xuất mà còn nằm ở những dịch vụ khác như du lịch. Kinh tế nông thôn không chỉ là làm nông nghiệp mà còn làm tất cả những gì có thể tạo ra việc làm, sinh kế, thu nhập cho bà con. Khi làm được như vậy thì kinh tế nông thôn sẽ sôi động hơn, kích hoạt dòng người trở về nông thôn để làm kinh tế. Khi ấy, bên dòng người ly nông, ly hương thì ở chiều ngược lại sẽ có dòng người quy nông, quy hương. Khi ấy nông thôn sẽ thay đổi, nông dân sẽ thay đổi, nông nghiệp sẽ thay đổi.
Xây dựng nông thôn mới không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Nông thôn mới chính là sức sống mới, mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng, hướng đến hai mục tiêu chính. Thứ nhất, để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại. Thứ hai, để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Làng quê giàu bản sắc, đậm chất văn hoá, sẽ là sức hút khách phương xa tìm đến khám phát những nét tinh hoa. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cách để thu hút người đô thị về với nông thôn, về với nông dân, là cách giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Du lịch nông nghiệp, nông thôn còn là cách kích hoạt sự thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh.
Hình ảnh nông thôn mới cần dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn. Nông thôn có đặc thù là không gian mở, con người gần gũi với con người, con người gần gũi với thiên nhiên, do đó cần chú ý đan xen giữa công trình và mảng xanh, tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị.
Tôi xin nêu một ví dụ đáng để chúng ta suy ngẫm. Đó là Chương trình Làng Mới - Saemaul Undong của Hàn Quốc. Saemaul Undong đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần tạo nên sức bật cho cả đất nước Hàn Quốc. Vì sao một chương trình đổi mới nông thôn lại chứa đựng giá trị lan toả toàn cầu? Đó chính là nhận thức về văn hoá như “sức mạnh mềm”, “nguồn lực mềm”, thúc giục sự thay đổi một địa phương, một đất nước.
Chúng ta cần quan tâm thêm đến việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mong rằng, các địa phương sẽ có nhiều sáng kiến để có thể tự hào giới thiệu cho cả nước, thậm chí là cả thế giới hình ảnh “di sản nông thôn” của địa phương mình.
Có rất nhiều nhà văn hóa, kiến trúc sư đồng thuận và mong muốn cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu hành trình tập trung và chú ý hơn vào quy hoạch nông thôn, nhà ở, cảnh quan nông thôn. Trong thời gian tới sẽ có những mô hình, thiết kế gắn với nông thôn, đặc biệt là nông thôn sinh thái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức giải thưởng hàng năm về quy hoạch và kiến trúc cảnh quan nông thôn trong thời gian tới.
Chúng ta cần cùng nhau hành động, đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán “giá như”! Nông thôn cần được xem là tài nguyên phát triển. Tôi rất ấn tượng câu khẩu hiệu của đất nước làm nên kỳ tích Saemuel Udong: “Nông nghiệp là sinh mạng. Nông thôn là tương lai”.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Trong cuộc trò chuyện với Đối thoại Reatimes về câu chuyện kiến trúc nông thôn, Kiến trúc sư Nguyễn Luận - người từng đạt giải thưởng của ACCT (UNESCO) Paris với đề tài “Nhà ở nông thôn - đơn vị cân bằng sinh thái” đã chia sẻ những trải nghiệm của mình trong quá trình khảo sát thực hiện đề tài tham dự giải thưởng.
KTS. Nguyễn Luận kể lại, năm đó khảo sát một ngôi nhà năm gian gần chùa Thầy, chân núi Sài Sơn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. Ngôi nhà cổ kính là tài sản truyền đời của gia đình bốn thế hệ, giờ đây chỉ còn lại một cụ già trông nom.
Thoáng nhìn qua khung cảnh ngôi nhà, kiến trúc sư bày tỏ sự lo lắng “có một mình cụ thì cụ sống thế nào?”. Cụ già cười xòa và chỉ vào mảnh vườn trước nhà bên cạnh sân gạch. Trên diện tích đất khiêm tốn là đủ loại rau xanh, phía dưới thấp nhất là rau cải, ở giữa là một giàn mồng tơi, phía trên cao nhất là giàn bầu, giàn mướp cùng một số loài cây ăn quả. Hàng ngày cụ hái rau đem bán, mua về những thứ mình cần rồi tiếp tục vòng lặp đó trong nhiều năm qua. Cuộc sống cứ trôi qua như vậy, bình yên, thư thái, đậm chất thôn quê nhưng cũng đầy tính khoa học, với mảnh vườn có mật độ cây trồng lớn, sinh khối cao và vòng tròn tuần hoàn của chuỗi thức ăn.
Kiến trúc sư cảm thấy rất ngạc nhiên và đầy lòng ngưỡng mộ, bởi người nông dân chẳng cần phải học qua trường lớp nào, với kinh nghiệm và sự sáng tạo của mình cũng có thể đạt được lối sống tuần hoàn điển hình mà phải khiến những người có chuyên môn cao “cúi đầu ngả mũ”.
Kiến trúc và lối sống nông thôn không phải là, và cũng không thể là bản ghi quá khứ của kiến trúc đô thị. Ảnh minh họa: Đoàn Vương Quốc/Vnexpress
Từ câu chuyện đó cũng có thể thấy rằng, kiến trúc và lối sống nông thôn không phải là, và cũng không thể là bản ghi quá khứ của kiến trúc đô thị. Với phẩm chất truyền đời của người nông dân, với những phong thái rất riêng, rất thật, rất mộc mạc của lối sống nông thôn, kiến trúc nông thôn cần phải phát triển theo một lộ trình riêng và cần được dẫn dắt, định hướng để lộ trình đó không đi vào sự sao chép một cách khiên cưỡng kiến trúc đô thị, dẫn đến những vết nứt hỗn độn, những mảnh ghép loang lổ như hình ảnh mà chúng ta thấy đâu đó, trong diện mạo của nông thôn Việt Nam hiện nay.
Chia sẻ về hiện tại và tương lai của kiến trúc nông thôn, KTS. Nguyễn Luận cũng đã đưa ra nhiều ý kiến và nhận định thực tế.
- Nhìn vào diện mạo kiến trúc nông thôn hiện nay, KTS có suy nghĩ gì?
KTS. Nguyễn Luận: Sau đổi mới nông thôn, cùng với chủ trương tập trung vào “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) và chính sách xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm, diện mạo nông thôn đã trở lên sạch đẹp hơn, hiện đại hơn. Diện mạo đó không đơn thuần chỉ là kiến trúc, mà còn bao gồm đời sống dân cư, phong tục tập quán,…
Riêng về kiến trúc, bao gồm cảnh quan làng xá, công trình nhà ở, công trình dịch vụ ở nông thôn, nếu so sánh với diện mạo kiến trúc những năm 60 của thế kỷ XX thì có thể nói là bây giờ không bằng được về tinh thần truyền thống, hồn đất, cảnh làng quê. Thời đó dân cư chưa nhiều, vẫn còn những nếp nhà ngói đậm chất thôn quê. Khuôn viên gia đình nông thôn ngày đó ổn định hơn và đi theo mô hình truyền thống, tức là có nhà chính, nhà phụ, sân phía trước phơi lúa, trồng hoa màu, phía sau có vườn chuối, vườn cau, quanh nhà dựng hàng giậu, trồng cây thuốc, cây thực phẩm.
Hiện tại, khuôn viên của gia đình nông thôn đã thu hẹp nhiều, nhà ống đô thị xuất hiện. Để có được một khuôn viên và không gian đúng kiểu kiến trúc nông thôn xưa thì rất khó và rất hiếm gặp. Cảnh quan bây giờ sạch đẹp hơn, cũng có nhiều điểm tốt hơn, như con đường làng không còn là đường đất, đường cỏ mà giờ chủ yếu là đường bê tông, đường nhựa, thuận tiện di chuyển hơn. Nhưng chính con đường đất ở quê ngày xưa, với những gốc cây cổ thụ, lại là hình ảnh khiến người ta cảm thấy thân quen, nhung nhớ.
Cho nên, kiến trúc nông thôn ngày nay cũng có nhiều điểm tốt, nâng cao chất lượng sống của người dân và nằm trong quy luật tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, âm hưởng truyền thống trong diện mạo kiến trúc thì không còn nhiều.
- Trong những năm tiếp theo, liệu kiến trúc nông thôn có tiến đến một giai đoạn mới nào trong chu trình phát triển của nó hay không, thưa ông?
KTS. Nguyễn Luận: Tôi cho rằng, có lẽ sẽ không có sự đột phá bởi cả kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn của Việt Nam từ xưa đến nay cũng không có sự đột phá nào trong chu trình phát triển, chỉ có điều, đời sống phát triển thì công trình xây dựng sẽ nhiều hơn thôi.
Ngay cả ý tưởng mới về kiến trúc nông thôn cũng không có nhiều vì thực chất hình ảnh lý tưởng cho kiến trúc nông thôn Việt Nam vẫn là khuôn viên truyền thống, có sân, ao, vườn, nhà chính, nhà phụ, nhà năm gian hoặc nhà ba gian. Trong rất nhiều cuộc thi kiến trúc được tổ chức bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam kết hợp cùng các đơn vị khác, những bài đạt giải đều là những thiết kế giản dị, có khuôn viên rộng hoặc hẹp, nhà có thể hai tầng hoặc ba tầng nhưng vẫn giữ được những bố cục, cảnh quan của kiểu nhà nông thôn thời xưa.
- Theo ông, để bảo tồn di sản kiến trúc nông thôn truyền thống và để diện mạo kiến trúc được đồng bộ, chỉn chu, có nên quy định mẫu nhà ở nông thôn hay không và vì sao?
KTS. Nguyễn Luận: Thực tế từ nửa cuối thế kỷ trước cho đến bây giờ, những cuộc thi về kiến trúc nhà ở nông thôn đã được tổ chức hay Viện Kiến trúc và Quy hoạch của Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu nhiều mẫu nhà ở nông thôn. Nhưng thực ra khái niệm về mẫu không phù hợp với người dân nông thôn.
Nên quy định về “kiểu” hơn là “mẫu”. “Kiểu” tức là một hướng dẫn sơ bộ về mặt bằng, công năng, hình thức kiến trúc. “Mẫu” thì chi tiết hơn, tức là phải quy định cụ thể làm cửa như thế nào, mặt đứng như thế nào, mái như thế nào, dùng vật liệu xây dựng gì. Gần đây Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức nghiên cứu đề tài về nhà ở nông thôn cũng thống nhất là đưa ra kiểu chứ không phải mẫu, tức là đưa ra những gợi ý về kiến trúc, như là nhà hai tầng, nhà một tầng, nhà mái ngói, nhà mái bằng, nhà truyền thống,…
Không nên quy định mẫu bởi khi đưa ra mẫu nghĩa là mình đóng vai trò của người thiết kế, còn đưa ra kiểu là trong vai trò của người thiết kế hướng dẫn cho người nông dân. Vì người nông dân bây giờ thay đổi nhiều rồi. Nông dân ngày xưa thuần chất là làm ruộng, trồng hoa màu. Nông dân bây giờ là công nhân nông nghiệp rồi, nếp sinh hoạt, nhu cầu cũng khác đi. Đất đai thì không tăng, chỉ là mở rộng chỗ này thu hẹp chỗ khác. Do đó, quy định cứng một mẫu chung cho nhà ở nông thôn là bất hợp lý, nên đưa ra hướng dẫn để người nông dân lựa chọn cho phù hợp nhất với nhu cầu, diện tích đất và điều kiện của mỗi người.
- Do nhiều yếu tố khách quan về dân số, tài nguyên đất mà việc gìn giữ và phổ biến hình thái kiến trúc nông thôn truyền thống gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vậy làm thế nào để kiến trúc nông thôn Việt Nam vẫn duy trì được bản sắc truyền thống và có được diện mạo đồng bộ hơn, thưa ông?
KTS. Nguyễn Luận: Bản sắc kiến trúc nông thôn truyền thống về cơ bản nằm ở quan niệm về cấu trúc khuôn viên ở và không gian ở, từ đó mới đưa ra mô hình truyền thống có nhà chính, nhà phụ, sân trước, vườn sau, chuồng trại, ao. Với cốt lõi là quan niệm đó, ta vẫn có thể giữ được phong cách kiến trúc nông thôn truyền thống nhưng trong một khuôn viên hẹp hơn. Tất nhiên là bố cục không thể nào đầy đủ được như nguyên mẫu nhưng quan trọng là vẫn phải giữ được tinh thần của nó.
Ví dụ như là thiết kế nhà có sân trong để trồng cây, có thể không phải là cây thực phẩm mà là cây bóng mát, chủ yếu không phải để giải quyết vấn đề ăn uống hàng ngày mà phục vụ nhu cầu, thói quen chăm sóc vườn tược của người nông dân. Nếu diện tích phải thu hẹp hơn, cũng có thể tận dụng phần ban công, mái, sân thượng của nhà để làm vườn.
Tức là, mình vẫn giữ nguyên tinh thần của nhà ở nông thôn, chỉ là hình thái kiến trúc có thể khác đi tùy vào điều kiện thực tế. Nhà ở đô thị thì thường được thiết kế sạch sẽ, không gian sống nằm gọn gàng trong bốn bức tường, mái hiên che hết nhà. Nhưng nhà ở nông thôn có thể lấm lem, không sạch lắm, có một chút đất rơi vào trong nhà, mái hiên có thể không che hết để mưa hắt vào bởi người nông dân họ có sự cảm nhận và kết nối với thiên nhiên nhiều hơn người đô thị. Tinh thần đó làm cho nhà ở đô thị và nông thôn rất khác nhau. Kiến trúc đâu phải chỉ có hình thức, diện tích mà quan trọng nhất vẫn là tinh thần, là con người.
Sau cùng, để gìn giữ bản sắc kiến trúc thì cốt lõi cần gìn giữ văn hóa, phong tục tập quán. Về bản chất, kiến trúc cũng bị chi phối bởi những yếu tố đó và văn hóa nông thôn suy cho cùng mới là cội nguồn của văn hóa nước Việt. Điển hình về việc văn hóa chi phối kiến trúc ta có thể thấy rõ như là quan hệ dòng tộc của người nông dân rất mạnh và đóng vai trò rất lớn trong đời sống của họ, bởi vậy trong nhà ở nông thôn luôn có phòng thờ để thờ cúng tổ tiên và phòng khách rộng hoặc phòng riêng để tập trung họ hàng vào ngày cúng giỗ. Khi đông người đến một nhà thì phải có sân để xe, để đồ đạc hoặc nhiều khi là trải chiếu ăn uống.
Kiến trúc nông thôn linh hoạt hơn kiến trúc đô thị, họ có thể hy sinh không gian này để dành cho không gian khác phục vụ đời sống văn hóa của họ. Do vậy, bảo tồn được phong tục tập quán, đời sống văn hóa truyền thống, đặc sắc của nông thôn là tạo tiền đề, nền tảng cho kiến trúc nông thôn truyền thống tiếp tục phát triển với thời đại.
- Trân trọng cảm ơn KTS.
Kiến trúc là một phần của văn hóa, muốn quy hoạch, kiến trúc phù hợp với các yếu tố bản địa như con người, khí hậu, địa chất thì cần phải xuất phát từ nghiên cứu văn hóa và xuất phát từ mục tiêu bảo tồn những giá trị văn hóa không gì có thể thay thế được.
Nông thôn Việt Nam vốn dĩ đã là cuốn sử sống về văn hóa Việt Nam, là nơi khai sinh, nuôi dưỡng tinh thần và nếp sống của biết bao thế hệ người Việt trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Bởi vậy, sứ mệnh của kiến trúc và quy hoạch nông thôn là làm sao để những giá trị văn hóa đó được chung sống, được tồn tại và tỏa sáng cùng với thời kỳ hiện đại, văn minh; làm sao để con người ở nông thôn và khi trở về nông thôn đều cảm nhận được lời dạy cha ông và tinh thần làng quê trong từng nếp nhà, hàng cây, sân đình, giếng nước…