1. Thực hiện công tác vệ sinh thú y:
Vụ thu đông là một trong những thời điểm rất dễ xảy ra dịch bệnh cho đàn vật nuôi do thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột, cộng thêm mưa ẩm… Vì vậy, ngay từ đầu vụ người chăn nuôi cần thực hiện tốt các công việc sau:
- Trước khi nhập gia súc, gia cầm 3 ngày phải khử trùng chuồng trại. Tu sửa chuồng trại chăn nuôi đảm bảo luôn khô thoáng, tránh được mưa, nắng, gió rét; cung cấp đầy đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống; thường xuyên kiểm tra nguồn nước, thức ăn không để nhiễm bẩn hoặc bị thối mốc.
- Trong quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ hàng tuần phải tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phát dọn cỏ dại, khơi thông cống rãnh khu vực chuồng nuôi.
- Thường xuyên thu gom phân, rác và chất thải trong chuồng ra khu tập trung riêng để xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường.
- Bố trí hệ thống sát trùng tại lối ra, vào đối với khu chăn nuôi tập trung; hạn chế người và động vật lạ vào khu chuồng nuôi để tránh lây lan mầm bệnh.
2. Thực hiện công tác phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
2.1. Đối tượng và các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc bằng vắc xin
- Đàn trâu, bò: Tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng, bệnh Tụ huyết trùng và bệnh Viêm da nổi cục.
- Đàn lợn: Tiêm phòng bệnh Dịch tả lợn, bệnh Tụ huyết trùng; riêng đàn lợn nái, lợn đực giống tiêm phòng cả bệnh Lở mồm long móng.
- Đàn dê: Tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng.
- Đối với gia cầm:
+ Đàn gà: Tiêm phòng bệnh Niu-cát-xơn, gồm: Vắc xin La sô ta và vắc xin Niu cát xơn (vắc xin La sô ta dùng cho gà dưới 2 tháng tuổi và vắc xin Niu cát xơn dùng cho gà từ 2 tháng tuổi trở lên); tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm.
+ Đàn vịt: Tiêm phòng bệnh Dịch tả vịt và bệnh Cúm gia cầm.
- Đàn chó, mèo: Tiêm phòng bệnh Dại.
* Những bệnh không thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc như: Bệnh Lép tô, bệnh Phó thương hàn, bệnh phù đầu,... khuyến khích người chăn nuôi chủ động mua vắc xin tiêm phòng.
2.2. Công tác tiêm phòng cho gia súc gia cầm
- Lực lượng tiêm phòng và công tác chuẩn bị:
Sử dụng lực lượng tại chỗ (nhân viên Chăn nuôi Thú y, Thú y viên thôn bản, người hành nghề Thú y...), có chứng chỉ hành nghề trên địa bàn tham gia vào công tác tiêm phòng; đồng thời phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động và dụng cụ, như: Thuốc sát trùng, bơm kim tiêm, bông, cồn, hộp đá lạnh bảo quản vắc xin...
- Về kỹ thuật tiêm phòng:
Trước khi tiêm phải khử trùng bơm, kim tiêm; sử dụng kim lấy vắc xin riêng; mỗi ô chuồng chỉ sử dụng 1 kim tiêm, khi chuyển sang ô chuồng khác phải thay kim tiêm; trong suốt quá trình tiêm, các nhóm tiêm phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Quá trình tiêm phải tuân thủ nguyên tắc “3 đúng” đó là: Đúng đối tượng, đúng liều lượng, đúng vị trí tiêm.
Lưu ý: Các nhóm tiêm phải kiểm tra vắc xin và quan sát tình trạng sức khỏe của gia súc, gia cầm... xét thấy đủ điều kiện theo quy định thì triển khai tiêm phòng và phải lắc đều lọ vắc xin trước khi lấy thuốc tiêm. Đối với các loại vắc xin dạng dung dịch như: Vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, cúm gia cầm… chỉ sử dụng trong ngày, nếu tiêm không hết phải hủy bỏ; những loại vắc xin dạng đông khô như: Dịch tả lợn, Niu-cát-xơn… phải sử dụng dung dịch pha của nhà sản xuất vắc xin và chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ sau khi pha.
Sau khi tiêm, chủ hộ cần theo dõi đàn gia súc, gia cầm trong thời gian từ 2 đến 3 ngày, nếu có trường hợp bị phản ứng thuốc phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để được hướng dẫn biện pháp xử lý.
- Thời gian tiêm phòng:
Tập trung cao điểm “tháng” tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh vụ xuân hè từ ngày 15/9/2022 đến ngày 15/10/2022; các tháng tiếp theo, thực hiện tiêm phòng bổ sung thường xuyên cho số gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt chính và số gia súc, gia cầm mới phát sinh thuộc đối tượng phải tiêm phòng.
Trên đây là hướng dẫn công tác vệ sinh thú y và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trong vụ Thu - Đông năm 2022. Đề nghị người chăn nuôi chủ động phối hợp thực hiện đạt kết quả cao./.